Tem niêm phong được dán tại một cây xăng Petrolimex trên đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hàng loạt cây xăng bị phong tỏa trong thời gian gần đây liên quan đến vụ pha chế xăng giả mà Công an tỉnh Đồng Nai đang mở rộng điều tra. Mới nhất là ngày 25-3 với cây xăng ở Gò Vấp, TP.HCM.
Kỳ vọng lớn
Việc phong tỏa này diễn ra trong bối cảnh hầu hết các địa phương trên cả nước thời gian qua đã ra quân dán tem vào các đồng hồ tổng tại các trụ bơm xăng nhằm quản lý nguồn gốc xăng, chống bơm thiếu, chống buôn lậu cũng như gian lận thuế.
TP.HCM là một trong những địa phương cuối cùng triển khai cũng đã ra quân thực hiện việc dán tem này từ tháng 8-2017 với toàn bộ 3.700 trụ bơm xăng trên toàn TP.
Tại thời điểm dán tem, tại các trụ xăng, cơ quan quản lý dán 2 loại gồm: loại tem bóc vỡ dán tại các vị trí chống can thiệp dẫn đến sai số cột đo xăng dầu và loại tem có mã vạch dán trước cột đo xăng dầu.
Mã vạch này sẽ thể hiện tên cửa hàng cũng như xí nghiệp, công ty mà cửa hàng này trực thuộc. Sau đó, định kỳ hằng quý, cơ quan thuế sẽ đến quét mã vạch từng trụ, ghi nhận chỉ số và nhập trực tiếp vào hệ thống của cơ quan thuế.
Khi tem được dán đồng nghĩa với việc người bán sẽ không thể tự ý thay đổi chỉ số lượng xăng dầu đã bán ra, bởi chỉ cần một tác động nhỏ, chiếc tem sẽ bị rách.
Vào cuối tháng, cán bộ thuế sẽ đi chốt chỉ số xăng dầu đã bán ra thông qua côngtơ tổng, sau đó đối chiếu với hóa đơn đầu ra. Nếu có sự chênh lệch, tem niêm phong bị rách sẽ tiến hành xử phạt và truy thu thuế theo đúng quy định.
Thời điểm dán tem, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết lý do phải áp dụng biện pháp quản lý này là vì thời gian qua rất khó quản được nguồn gốc xăng tại các cửa hàng bán lẻ. Ngân sách đã thất thu một khoản không nhỏ do lượng xăng dầu trôi nổi lớn được tuồn ra thị trường thời gian qua.
Tìm cách quản lý khác
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-3, một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết việc kiểm soát theo hình thức dán tem này đã dừng một thời gian để chờ triển khai theo hình thức mới vì xuất hiện nhiều bất cập và không hiệu quả. Các cây xăng đã có nhiều biện pháp đối phó.
Chưa kể địa bàn TP.HCM rất lớn với 3.700 trụ bơm xăng, do vậy việc quản lý cũng gặp một số khó khăn, nhất là khi các trụ xăng bị hư hỏng buộc phải tháo niêm phong để sửa chữa, khi đó lực lượng chức năng cũng phải có mặt kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Do vậy Cục Thuế TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án quản lý mới số côngtơ của các cây xăng bằng phương thức điện tử và đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Hiện đề án này đang trong quá trình thuê đơn vị viết phần mềm để có thể triển khai trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 10-2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế phối hợp với các tỉnh thành tiến hành dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ côngtơ tổng cột đo xăng dầu tại điểm kinh doanh.
Đến tháng 4-2017 đã có hàng chục ngàn trụ xăng được dán tem. Giải pháp này bước đầu góp phần chống thất thu thuế vì theo báo cáo của Tổng cục Thuế, sau đó số thuế bảo vệ môi trường đã tăng trung bình ít nhất 10% so với thời điểm chưa dán tem, có tỉnh tăng tới 20%.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, sau đó cây xăng vẫn có cách lách, họ có thể tác động vào đồng hồ tổng làm thay đổi số lượng sản phẩm bán ra nhằm trốn thuế.
Xăng lậu dễ chảy vào sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia thuế cho hay trên thực tế nếu chỉ quản lý bằng cách dán tem ở các trụ xăng dầu thì không thể hạn chế được xăng lậu vì lượng xăng dầu lậu chỉ chảy một phần vào bán lẻ qua các cây xăng, còn chính là vào nguồn sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp (tưới tiêu...).
Đây mới là những nguồn tiêu thụ số lượng lớn, do vậy quản lý qua các cây xăng dầu cũng chỉ hạn chế một phần.
Cần bỏ loại hình thương nhân phân phối
Cửa hàng xăng Vinh Quang (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) bị phát hiện bán xăng giả cho khách hàng - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong khi các tổng đại lý, đại lý bán lẻ, nhượng quyền chỉ được nhận hàng từ một nguồn thì riêng thương nhân phân phối lại được hưởng "đặc quyền" nhận hàng từ nhiều nguồn và bán xuống các đại lý, cửa hàng của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc quy định thương nhân phân phối được phép lấy từ nhiều nguồn để bán xuống nhiều đại lý bán lẻ và đơn vị nhượng quyền thương mại có thể là kẽ hở để hợp thức hóa xăng dầu lậu, giả. Trong khi đó, thương nhân phân phối cũng không tạo nên được sự cạnh tranh về giá so với các thương nhân kinh doanh khác, không mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy vậy, theo dự thảo sửa đổi nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ, lại tiếp tục mở rộng quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu.
Họ không những được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối (trực tiếp nhập khẩu và bán xăng dầu) mà còn được mua xăng dầu từ các thương nhân phân phối khác.
Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng góp ý sửa đổi dự thảo nghị định 83/2014, ông Nguyễn Lộc An - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từng quản lý lĩnh vực xăng dầu - đã đề nghị cần bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối.
Lý do theo ông An, thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.
Một chuyên gia khác thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay khi Nhà nước đang khuyến khích cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu, bằng chứng là số lượng doanh nghiệp đầu mối được cấp phép tăng cao trong thời gian qua, cần nâng cao vai trò của các thương nhân đầu mối - vốn là nguồn cấp phát hàng hóa để tăng tính trách nhiệm cao hơn về chất lượng, số lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Trên cơ sở đó tiếp tục quy định các hệ thống tổng đại lý, đại lý, bên nhận quyền bán lẻ chỉ được mua nguồn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc xăng dầu khi có bất cập phát sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận