Từ ngày 1-8, đoàn liên ngành TP bắt đầu dán tem 3.700 trụ bơm xăng tại TP.HCM. Việc này nhằm nhiều mục đích: hạn chế nguồn hàng trôi nổi, quản lý thuế và hạn chế tình trạng cây xăng đong thiếu - Ảnh: T.T.D. |
Thông tin trên được ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết ngày 18-7 trong buổi họp với 20 đầu mối bán lẻ xăng dầu để triển khai đề án dán tem cây xăng nhằm hạn chế gian lận thuế.
Thời gian dán tem tại đồng hồ tổng của các trạm xăng chỉ kéo dài từ 30 giây đến 1 phút. Toàn bộ kinh phí do UBND TP hỗ trợ và các cây xăng không phải mất bất kỳ chi phí gì. Trước khi đến dán tem tại các cây xăng, cơ quan thuế sẽ báo trước.
Việc quản lý số liệu sẽ được thực hiện bằng phương thức điện tử, số liệu tại cây xăng sẽ được ghi nhận bằng phần mềm trên điện thoại và truyền về tổ trung tâm.
Theo ông Minh, qua kiểm tra bước đầu, cơ quan chức năng phát hiện nhiều đồng hồ tổng tại các cây xăng bị tháo rời, các cây xăng phải gắn lại đồng hồ này để cơ quan chức năng thực hiện niêm phong.
Ông Nguyễn Thanh Phương - phó phòng quản lý đo lường chất lượng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM - cho biết trước mắt, tổ liên ngành chỉ dán tem với đồng hồ tổng dạng cơ và cơ điện, chứ không dán tem đồng hồ tổng điện tử do loại này có thể điều khiển số liệu bằng remote, việc dán tem không có tác dụng quản lý.
“Các cây xăng có đồng hồ tổng bị tháo rời hoặc hư hỏng phải sửa chữa trước khi cơ quan chức năng thực hiện dán tem” - ông Phương cho biết.
Cũng tại buổi họp, các đầu mối xăng dầu bày tỏ lo ngại rằng sau khi dán tem, nếu đồng hồ hư hỏng thì báo cho ai, bao lâu cơ quan chức năng sẽ đến ghi nhận số liệu và mở tem để cây xăng sửa chữa nhằm tránh bị động trong kinh doanh?
Tuy nhiên, cơ quan thuế cho biết đã tính tới khả năng này và khi dán tem sẽ cung cấp địa chỉ liên hệ khi cần sửa chữa, việc quản lý này sẽ thực hiện linh hoạt chứ không cứng nhắc.
Dự kiến đợt dán tem đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 30-9.
Theo ông Minh, TP.HCM có khoảng 3.700 trụ bơm xăng dầu và là một trong những nơi tiêu thụ lượng xăng dầu lớn, nhưng lại là một trong số ít tỉnh, thành chưa triển khai đề án dán tem cây xăng.
“Lý do phải áp dụng biện pháp quản lý này là vì thời gian qua rất khó quản được nguồn gốc xăng tại các cửa hàng bán lẻ.
Nhiều đầu mối thực hiện nghiêm nhưng đến điểm bán lẻ lại có lượng hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, tiếp tay cho hàng lậu, gây mất bình đẳng trong kinh doanh” - ông Minh nói.
Ngoài ra, theo ông Minh, ngân sách đã thất thu một khoản không nhỏ do lượng xăng dầu trôi nổi lớn được tuồn ra thị trường thời gian qua.
Ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu Ông Lê Duy Minh khẳng định thông qua việc dán tem cây xăng này, cơ quan thuế sẽ đối chiếu kiểm tra xem lượng hóa đơn xuất có khớp với lượng hàng nhập vào hay không, góp phần hạn chế gian lận trong việc đo đếm, vốn là vấn nạn nhức nhối thời gian vừa qua. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, nếu trong quá trình kiểm tra cơ quan thuế và Sở Công thương phát hiện tình trạng cây xăng bơm thiếu phải báo cáo UBND TP để có hình thức xử lý thích đáng, nặng nhất có thể thu hồi giấy phép. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận