02/10/2013 11:32 GMT+7

Dân số thế giới 2050: 9,7 tỉ người

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Dân số thế giới sẽ nhảy vọt từ 7,1 tỉ người hiện tại lên đến 9,7 tỉ vào năm 2050, nghiên cứu của Viện nghiên cứu nhân khẩu học Pháp (Ined) cho hay.

AbMOjWwY.jpgPhóng to
Ấn Độ sẽ là quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2050. Ảnh: The Hindu

Khi đó, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, AFP hôm nay 2-10 dẫn báo cáo được công bố hai năm một lần của Ined cho biết.

Ined cũng dự báo đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có từ 10 đến 11 tỉ người sinh sống trên hành tinh này.

Kết quả nghiên cứu của Ined cũng tươg đồng với các dự báo của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức uy tín khác.

Báo cáo công bố hồi tháng 6 của Liên Hiệp Quốc cho biết dân số toàn cầu sẽ vào khoảng 9,6 tỉ người vào năm 2050, và số người sống đến 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 841 triệu người hiện tại lên 2 tỉ vào năm 2050, và gần 3 tỉ vào năm 2100.

Ined cho biết châu Phi sẽ là nơi cư ngụ của ¼ dân số thế giới vào năm 2050. Khi đó, dân số châu Phi sẽ vào khoảng 2,5 tỉ người, hơn gấp đôi con số 1,1 tỉ hiện tại.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là do tỉ lệ sinh sản của phụ nữ châu Phi rất cao: trung bình mỗi phụ nữ sẽ sinh 4,8 trẻ em, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 2,5 trẻ em/phụ nữ.

Số người sống ở châu Mỹ sẽ tăng từ 958 triệu hiện nay lên 1,2 tỉ người vào năm 2050. Trong khi đó, dân số châu Á cũng tăng từ 4,3 tỉ lên 5,2 tỉ người trong cùng thời gian.

Ined cũng dự báo sẽ có sự “đổi ngôi” giữa các quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2050.

Cụ thể, Ấn Độ sẽ dẫn đầu danh sách với 1,6 tỉ người, Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai với 1,3 tỉ người. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, cũng được dự đoán sẽ chiếm vị trí thứ ba của Mĩ với 444 triệu người.

AFP hôm qua cũng dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết họ đã tiến gần đến mục tiêu giảm tỉ lệ đói trên thế giới xuống còn một nửa vào năm 2050.

Theo FAO, hiện cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người không đủ ăn. Cụ thể, có 842 triệu người (chiếm 12% dân số toàn cầu) trên toàn thế giới đang không có đủ thức ăn để sống khỏe mạnh, giảm gần 3% so với con số 868 triệu người đói trong năm 2010-2012.

Khu vực Đông Á hiện có nhiều người đói nhất (295 triệu người), theo sau đó là Châu Phi hạ Sahara (223 triệu) và Đông Á (167 triệu), theo báo cáo của FAO.

Nguyên nhân chính để cải thiện tỉ lệ người đói, theo FAO, là sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển, năng suất nông nghiệp tăng và có nhiều đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên