19/11/2015 11:44 GMT+7

Dân Sài Gòn có lệ đi đám cưới trễ, nghĩ sao đây?

NHÓM KHẢO SÁT KHOA BC&TT, TRƯỜNG ĐH KHXN&NV TP.HCM
NHÓM KHẢO SÁT KHOA BC&TT, TRƯỜNG ĐH KHXN&NV TP.HCM

TT - 75% bạn đọc đang sinh sống ở TP.HCM tham gia khảo sát thừa nhận từng đến trễ giờ tiệc cưới, trong đó 60% cho biết tình trạng “giờ dây thun là chuyện bình thường” tại đám cưới hiện nay.

Nhân viên một nhà hàng tổ chức sự kiện cưới trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM đang chuẩn bị bàn ăn đón khách - Ảnh: Hoài Linh
Nhân viên một nhà hàng tổ chức sự kiện cưới trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM đang chuẩn bị bàn ăn đón khách - Ảnh: Hoài Linh

Tuổi Trẻ đã thực hiện cuộc khảo sát nhanh với 80 người dân TP.HCM, thuộc hai nhóm đối tượng: 60 người từng tham gia tiệc cưới và 20 người từng tổ chức tiệc cưới. Lý do người đi trễ thường do không thể thu xếp công việc trước giờ mời, còn chủ nhân tiệc cũng đành du di chấp nhận vì không thể làm khác hơn.

Có nhiều lý do để trễ

Kết quả khảo sát cho thấy đa số người từng đến trễ trong đám cưới rơi vào các trường hợp phổ biến từ 15 - 30 phút chiếm 50%, từ 30 - 60 phút chiếm 30%. Trong khi đó có 60% người tổ chức tiệc cưới cũng cho biết từng gặp trường hợp “giờ dây thun”, phải đợi khách dự tiệc cưới của mình.

Anh Quang Duy (Q.1) cho biết thường đưa cha mẹ đi đám cưới, và theo kinh nghiệm của cha mẹ anh Duy, chuyện đến muộn đã thành tiền lệ “vì đến sớm mất công chờ đợi, chủ yếu nhập tiệc xong rồi về”.

Giải thích chuyện đi trễ trong đám cưới, người đến dự tiệc đưa ra nhiều lý do chủ quan như: không thể thu xếp kịp công việc chiếm 42%, kẹt chuyện gia đình chiếm 30%. Trong đó 35% cho rằng việc đi trễ như thói quen của họ.

“Một số người đi đám cưới với tâm lý chờ đợi nhau cho thật đông rồi mới kéo vô cùng lúc” - anh Nguyễn Cao Cường, ngụ tại Q.Gò Vấp, chia sẻ. Và cũng theo anh: “Hành vi đó vô tình dẫn đến thói quen trễ nải, kéo giờ không chỉ riêng đám cưới mà các công việc khác nữa”.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đề cập đến những lý do khách quan như: đám cưới tổ chức vào giờ cao điểm, kẹt xe, tắc đường, nhất là mùa mưa ngập lụt...

Trước những lý do nêu trên, cả hai nhóm đối tượng đều chấp nhận chuyện “giờ dây thun” trong đám cưới là bình thường (với 60% lựa chọn từ người tham gia tiệc cưới và 50% từ người tổ chức tiệc cưới). Một số ít cảm thấy khó chịu về việc phải chờ đợi, nhưng vẫn có thể thông cảm (từ 18% người tham gia tiệc cưới và 40% người tổ chức tiệc cưới), bởi theo họ “đó là ngày vui không nên tỏ ra bực bội” và “chuyện trễ đã trở thành... phong tục trong đám cưới hiện nay”.

Dù đến 55% người tổ chức tiệc cưới mong muốn khách mời đi đúng giờ, nhưng vẫn chấp nhận sống chung với tình trạng “giờ dây thun”, với 60% lựa chọn cho phương án kéo dài thời gian bắt đầu làm lễ từ 30 - 60 phút để đợi khách.

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Cần xây dựng thói quen đúng giờ

Trước thực tế trên, nhóm khảo sát nhận được nhiều kinh nghiệm chia sẻ cũng như “hiến kế” của người dân để giải quyết tình trạng “giờ dây thun”. Theo chị Đinh Thị Thúy Hằng, tại Q.Gò Vấp: “Những khi đi trễ tôi sẽ điện thoại cho bạn để bạn giữ chỗ ngồi”.

Cách xử lý tình huống này nhận được sự đồng tình cao nhất với 42% lựa chọn. Anh Nguyễn Phát Đạt (32 tuổi, Q.Bình Thạnh) kiên quyết: “Thay vì chủ tiệc mời sớm bắt người ta chờ thì nên tổ chức đúng giờ, đừng du di tạo điều kiện cho người khác trễ”.

Đồng ý quan điểm đó, bà Lê Thúy Oanh (60 tuổi, buôn bán ở Thủ Đức) còn đề xuất thêm: “Người tổ chức nên mời đúng giờ và làm tiệc đúng giờ, còn đi như thế nào là chuyện của khách”. Riêng bà chọn cách đến sớm trong đám cưới để giao lưu, gặp gỡ và nói chuyện với bạn bè cũ.

Rút kinh nghiệm từ “giờ dây thun” trong tiệc cưới của nhiều người, Võ Hoài (19 tuổi, tại Q.Phú Nhuận) nói sẽ sử dụng các dịch vụ điện thoại, nhắn tin để nhắc nhở khách đến đúng giờ trong đám cưới của mình sau này.

Từ phía những người có nguyên tắc về thời gian và chưa bao giờ đi trễ tiệc cưới (chiếm 23%) khẳng định nhất thiết phải đúng giờ, bởi đó là phép lịch sự tối thiểu, không để người khác phải chờ đợi mình... Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn Hà, 36 tuổi, nhân viên văn phòng, Q.Tân Bình: “Người ta đi trễ là chuyện của người ta, còn mình phải đúng giờ để thể hiện sự tôn trọng người tổ chức”.

Trong số được khảo sát có 33% người tham dự và 10% người tổ chức tiệc cưới cho rằng không thể giải quyết tình trạng “giờ dây thun” trong đám cưới vì “đây là câu chuyện thuộc về ý thức và thói quen của mọi người rồi”, như suy nghĩ của Lương Thụy Minh Yến, tại Q.Thủ Đức.

Ông Đinh Văn Độ (62 tuổi, Q.Phú Nhuận), tổ chức tiệc cưới cách đây 40 năm, cho hay: “Hồi ấy đám cưới ít có khách đi trễ, còn bây giờ thì nhiều lắm”, vì vậy theo ông “nên giáo dục thói quen đúng giờ từ nhỏ, tạo nếp sống nền nếp, không cà kê”.

Mặt khác, 45% người tham gia khảo sát cũng đồng tình về việc cần phải thiết lập, xây dựng thói quen đúng giờ cho người Việt. Ở góc độ của người trẻ, Lê Thị Thảo Nguyên (22 tuổi, sinh viên, Q.9) và Nguyễn Ngọc Tuyền (23 tuổi, Q.Tân Bình) nhất trí: “Việc đúng giờ cần được giáo dục trong gia đình, không chỉ trong đám cưới mà còn trong tất cả mọi việc khác”.

Lý giải tình trạng “giờ dây thun” của người dân TP.HCM trong đám cưới, PGS.TS Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) cho biết: “Không chỉ đám cưới mà nhiều chuyện khác, người VN không tôn trọng thời gian. Đó là sản phẩm của nền nông nghiệp nhỏ. Muốn thoát khỏi tư duy tiểu nông này phải thay đổi, học hỏi các nước công nghiệp hiện đại trên thế giới. Xã hội muốn phát triển, phải đúng giờ.

Trước những năm 1980, tình trạng trễ giờ không nhiều như hiện nay là do cách tổ chức trong đám cưới ngày càng thiếu tôn trọng con người, với tư tưởng lệch chuẩn, mang tính chất kinh tế trong ứng xử, một biểu hiện không có văn hóa”.

* Chị Võ Thị Sánh (28 tuổi, nghề tự do, Q.Phú Nhuận):

Phải có lúc trễ giờ chứ, phụ nữ nhiều khi cần sửa soạn quần áo, trang điểm mất thời gian cộng với việc đi taxi vào giờ cao điểm tắc đường nữa. Tham gia tiệc, tôi chỉ biết đến cô dâu chú rể thôi, không quan tâm đến khách mời, họ đi trễ cũng bình thường thôi.

Anh Lê Chí Phú (39 tuổi, BTV truyền hình, Q.10):

Tốt nhất là tổ chức tiệc cưới vào buổi trưa hoặc cuối tuần. Mời sớm một giờ cũng là cách tạo điều kiện cho những người ở xa không có điều kiện gặp nhau thì trong đám cưới mình họ được gặp lại, tốt chứ sao.

* Chị Nguyễn Thị Hồng Lộc (27 tuổi, giảng viên, Q.1):

Mỗi cá nhân có những lý do khác nhau khiến họ đến trễ. Nhưng nếu họ thật lòng muốn đến chung vui cùng cô dâu chú rể thì dù họ đến lúc nào cũng rất đáng quý. Nhưng những khách mời đến đúng giờ hoặc trước khi cử hành hôn lễ sẽ mang đến một không khí ấm cúng và niềm vui trọn vẹn.

* Ông Phùng Đại Quốc (50 tuổi, nghề tự do, Q.Gò Vấp):

Tôi luôn đến đúng giờ theo thiệp mời, có khi còn là người đến sớm nhất trong bữa tiệc. Cô dâu chú rể lúc đó rất mừng khi thấy người đến đầu tiên vì họ thấy được tôn trọng. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều quen đúng giờ, sao mình không học hỏi.

NHÓM KHẢO SÁT KHOA BC&TT, TRƯỜNG ĐH KHXN&NV TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên