Ông Đào Trung Chính - cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, tổ trưởng tổ biên tập dự án Luật đất đai (sửa đổi) - cho biết vấn đề được người dân góp ý nhiều nhất cho dự thảo Luật đất đai là các trường hợp thu hồi đất và cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo lộ trình, vào cuối tháng 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xin ý kiến Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật đất đai và xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi) về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tiếp đó vào đầu tháng 4 Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật, sau đó sẽ hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5-2023.
* Quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Đây cũng là vấn đề người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài những năm qua.
Vậy trong lần sửa đổi luật lần này, chính sách thu hồi đất có gì mới và luật sẽ bổ sung quy định gì để giảm bức xúc, khiếu kiện?
- Trong trường hợp thật cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước mới thu hồi đất. Nên vấn đề của Luật đất đai sửa đổi lần này là quy định cụ thể lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào.
Ví dụ trong lĩnh vực phát triển dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, viễn thông, năng lượng là những công trình loại nào, trường hợp nào thuộc diện thu hồi đất sẽ quy định rõ vào luật.
Luật đất đai sửa đổi sẽ công khai, minh bạch để người dân biết, dễ dàng thực hiện. Và khi những trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định cụ thể trong luật, không còn chuyện mập mờ giữa thu hồi hay không thu hồi thì sẽ góp phần giảm được khiếu nại, tố cáo của người dân.
Đối với công tác thu hồi đất, Luật đất đai sửa đổi lần này cũng quy định nguyên tắc phải làm khu tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ như phá dỡ chung cư cũ. Khu tái định cư phải bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
* Thưa ông, so với Luật đất đai 2013, việc sửa đổi Luật đất đai lần này các trường hợp được thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội tăng hay giảm?
- Hiện nay dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên các nhóm, lĩnh vực được áp dụng cơ chế thu hồi đất nhưng sẽ quy định cụ thể, chi tiết trong một nhóm thì những trường hợp cụ thể nào, đáp ứng tiêu chí và điều kiện ra sao mới được thu hồi đất để tránh sự vận dụng không đúng, lạm dụng cơ chế thu hồi đất, dễ gây khiếu kiện trong nhân dân.
* Nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản lo ngại cơ chế thu hồi đất theo thỏa thuận trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ kéo dài thời gian thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí đất đai, đẩy giá nhà lên cao. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Nghị quyết 18 của trung ương tiếp tục duy trì cơ chế tự thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở, khu đô thị. Luật đất đai sửa đổi cũng phải theo tinh thần nghị quyết.
Theo tôi, vấn đề là dự án loại nào, nếu đơn thuần chỉ đầu tư kinh doanh thương mại thì phải thỏa thuận. Đã không phải là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì phải tự thỏa thuận giá đền bù đất đai.
Nhưng đến nay vẫn có ý kiến đề nghị với những dự án nhà ở thương mại thì Nhà nước đứng ra thu hồi đất dự án và giao cho doanh nghiệp, đặc biệt là khi chúng ta cần phát triển những khu đô thị lớn, tạo điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả một vùng mà để cơ chế tự thỏa thuận trong thu hồi đất thì chắc chắn sẽ không làm được.
Diện tích đất đai nhỏ lẻ thì doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận được nhưng quy mô diện tích lên tới mấy trăm hecta, cả ngàn hecta thì không làm được, như vậy sẽ thu được một khoản địa tô lớn vào ngân sách.
Xây dựng bảng giá đất hằng năm có gây khó cho địa phương?
* Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định các địa phương phải xây dựng bảng giá đất hằng năm, có cơ chế cập nhật, điều chỉnh giá đất khi có biến động lớn trên thị trường. Điều này có gây khó cho địa phương trong quá trình thực thi sau này?
- Xác định bảng giá đất có hai vấn đề, một là xác định bảng giá đất để chính quyền địa phương áp dụng, thứ hai việc xác định giá đất trong từng công việc, vụ việc cụ thể.
Xây dựng bảng giá đất thuộc trách nhiệm Nhà nước phải làm, nhưng để thực hiện thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thuê đơn vị tư vấn giúp cho Nhà nước trong việc điều tra, thu thập thông tin, lập dự thảo bảng giá đất.
Còn khi xác định giá đất cụ thể, các cơ quan nhà nước được thuê các tổ chức tư vấn tiến hành định giá đất ở một vị trí cụ thể bằng các phương pháp được quy định trong luật.
Sau đó, Nhà nước sẽ thẩm định lại phương án định giá đó trước khi chính thức xác định giá đất. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải ra quyết định định giá, độc lập thế nào thì cuối cùng cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tham gia vào khâu ra quyết định về giá đất.
Ví dụ UBND cấp tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất thì phải ra quyết định về giá thuê phù hợp với thị trường, còn trong quá trình thẩm định giá đất thì phải bảo đảm tính độc lập của cơ quan tư vấn, thẩm định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận