Một ghe chở đầy cát lặc lè trên sông - Ảnh: TẤN LỰC |
Trưa 13-1, có mặt tại cánh đồng bên sông thuộc thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước, chúng tôi ghi nhận khoảng 2km bờ sông bị sạt lở nặng.
Theo đó, nước sông khoét sâu vào bờ cuốn trôi cát để lại đoạn bờ dốc đứng cao 3-4 mét trơ đất và rễ cây. Giữa dòng sông là 5 chiếc ghe chuyên dụng đang nổ máy nhộn nhịp hút, chở cát.
Bà Võ Thị Xuân (52 tuổi), trú thôn Nhị Dinh 2, than thở phải thuê lại đất người khác canh tác bởi đất của mình đã trôi sông. Bà Xuân cho biết, mỗi ngày có cả hàng chục lượt tàu nạo hút cát ở đoạn sông này, hoạt động từ sáng sớm đến 21-22g đêm.
Ông Trần Văn Định, chủ tịch UBND xã Điện Phước, xác nhận cánh đồng thôn Nhị Dinh 2 sạt lở rất nghiêm trọng với chiều rộng hàng chục mét, cuốn mất gần 5ha đất canh tác của người dân.
Theo ông Định, ngoài lũ lụt thì việc các doanh nghiệp hút cát cũng là nguyên nhân gây sạt lở. Đáng nói là dù đã giới hạn phạm vi khai thác nhưng các doanh nghiệp này lại lợi dụng khai thác trái phép ngoài phạm vi này.
Bờ sông Thu Bồn qua xã Điện Phước bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: TẤN LỰC |
Được biết, tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn xảy ra tại nhiều điểm tại các huyện vùng hạ lưu Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và kéo dài dai dẳng nhiều năm. Trong đó, ngoài tình trạng lũ lụt và thay đổi dòng chảy tự nhiên thì tác động của con người là một nguyên nhân quan trọng.
Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên lưu vực sông Thu Bồn có 16 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi với trữ lượng cho phép lên tới hơn 3 triệu mét khối, tập trung chủ yếu tại Điện Bàn (9 giấy phép) và Duy Xuyên (6 giấy phép).
Sở TN-MT thừa nhận vẫn có tình trạng ghe thuyền hút cát không phép, trái phép, riêng năm 2016 đã phát hiện xử lý 21 ghe thuyền khai thác trái phép.
Theo ông Bùi Văn Ba, trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT, việc xác định sạt lở do nguyên nhân nào cần có nghiên cứu, đánh giá chi tiết rồi mới có kết luận chính xác. Trong khi đó, nhu cầu cát sỏi phục vụ xây dựng đang cấp thiết. Sông Thu Bồn có nguồn cát sỏi nhiều, do đó, tỉnh Quảng Nam đã cho phép một số doanh nghiệp khai thác phục vụ xây dựng.
“Nếu không cấp giấy phép khai thác thì tình trạng khai thác trái phép sẽ bùng phát. Do đó, cần cho phép khai thác với quy mô và phương pháp hợp lý. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm để vừa có cát, sỏi thi công các công trình, vừa không thất thoát tài nguyên, không gây xói lở bờ sông”- ông Ba cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận