Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị vừa có báo cáo giải trình ý kiến của cử tri. Trong đó, cử tri Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) và cử tri xã Trung Nam (huyện Vĩnh Linh) chung kiến nghị về phát triển rừng tràm gây ảnh hưởng sinh thái, nguồn nước.
Rừng tràm không trữ được nước?
Cử tri Trung đoàn 19 phản ánh rừng đầu nguồn ở một số nơi chủ yếu trồng tràm dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mạch nước ngầm ngày càng hạ thấp.
Còn người dân xã Trung Nam cho rằng những năm gần đây, lũ lụt sạt lở nhiều là do con người tàn phá thiên nhiên.
Đề nghị tỉnh có chủ trương khôi phục cây gỗ truyền thống để giữ môi trường, hạn chế trồng tràm vì chỉ có lợi ích trước mắt mà không có tác dụng chống bào mòn.
Theo ngành nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ tốt rừng nên diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng tăng, tỉ lệ che phủ rừng tăng dần qua các năm.
Cụ thể, khi tái lập tỉnh năm 1989, diện tích đất có rừng của Quảng Trị là gần 100.000ha, độ che phủ khoảng 20%. Hiện nay, diện tích đất có rừng tăng lên 250.000ha (rừng tự nhiên và rừng trồng chiếm tỉ lệ gần 50-50%), độ che phủ rừng 49,4%.
Với rừng sản xuất, cây keo được xác định là cây trồng lâm nghiệp chính, mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Trả lời cử tri, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng phản ánh "rừng đầu nguồn ở một số nơi chủ yếu trồng tràm dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mạch nước ngầm ngày càng hạ thấp" là chưa có báo cáo đánh giá khoa học cụ thể.
Chung quan điểm, ông Phạm Xuân Đỉnh - giám đốc Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ - cho rằng chưa có báo cáo khoa học về việc trồng rừng tràm làm suy giảm nguồn nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn trồng rừng của đơn vị này, ông Đỉnh đánh giá thảm thực vật rừng tự nhiên tốt hơn so với rừng trồng đơn loài, đơn tán.
"Rừng trồng có mức độ lưu giữ nguồn nước giảm, mưa lớn nước thoát đi, tuột xuống khe suối gây lũ lụt. Nhiệt độ trong rừng tràm cũng không mát mẻ bằng rừng tự nhiên", ông Đỉnh cho hay.
Trồng rừng bền vững xen cây gỗ lớn
Ông Đỉnh cho rằng trước mắt, cần vận động người dân thay đổi phương pháp canh tác, trồng rừng không đốt thực bì, trồng lâu năm. Tuy vậy, để hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường là rất khó vì chưa tìm ra cây trồng trên vùng đồi phù hợp như cây tràm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây keo là một loài cây biên độ thích nghi rộng, dễ trồng, dễ chăm sóc, chu kỳ ngắn, nhanh cho thu hoạch, giá trị tuy không cao nhưng dễ tiêu thụ, thị trường rộng.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và chủ rừng trồng rừng thâm canh, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn với luân kỳ kinh doanh rừng dài; thực hiện quản lý rừng bền vững; đa dạng hóa chủng loại cây trồng, trồng xen những loài mọc nhanh với cây gỗ lá rộng để cung cấp gỗ lớn... nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và hiệu quả về môi trường.
Với vùng đất tốt, tầng đất dày, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng khác, không bắt buộc phải trồng cây keo, có thể trồng các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao như giổi, xoan đào, lát hoa… và sản xuất nông lâm kết hợp, giảm độc canh trồng cây keo, đa dạng hóa sản phẩm từ rừng trồng, tăng giá trị sản xuất cho chủ rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận