Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nông dân cho biết trước đây họ vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản rất thuận lợi vì có lối đi chung, từ ruộng ra tỉnh lộ chưa đến 2km. Nhưng từ khi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động đã cắt ngang lối đi này, khiến tuyến đường đi vào ngõ cụt.
Dân đã gởi đơn nhờ can thiệp gần 1 năm nay nhưng chưa được giải quyết.
Có cao tốc, mỗi lần ra ruộng lâm cảnh 'gần đường nhưng xa ngõ'
Nông dân Phạm Minh Quốc, đại diện hàng chục hộ dân làm lúa ở thôn Đồng Dầy, cho biết hiện tại khu vực này đã bố trí hầm chui nhưng lại không có đường gom. Người dân phải đi "lụi" từ ruộng này đến ruộng khác. Vào mùa mưa, nước dồn về hầm chui khiến nơi này đi lại rất khó khăn.
"Ruộng rẫy ngày xưa có đường, dù là đường đất nhưng việc vận chuyển nông sản rất thuận lợi. Nay làm đường cao tốc thì đất ruộng lại trở thành 'mặt tiền'. Tuy ra mặt tiền nhưng hàng trăm héc ta ruộng lúa lâm cảnh gần đường nhưng xa ngõ" - ông Quốc nói.
Còn ông Hứa Móc đang sản xuất 8ha lúa và bo bo ở khu vực này cho hay khi chưa có cao tốc, từ rẫy về đến nhà chưa đến 4km, nhưng bây giờ phải đi đường vòng lên tỉnh lộ 705 rồi về làng Phước Nhơn dài gấp 2 - 3 lần so với trước. Chi phí sản xuất, nhân công, vận chuyển vì thế bị đội lên rất cao.
"Trước và sau khu vực này bên phía đầu tư đường cao tốc đều có làm đường gom dân sinh, nhưng không hiểu sao đoạn giữa lại không làm" - ông Móc nói.
Nhiều nông dân cho biết vì không có đường "hợp pháp" nên họ phải tự tìm đường vào rẫy.
Ông Nguyễn Mâu sản xuất gần 8ha lúa ở thôn Đồng Dầy kể trước đây ông chấp nhận bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Hiện nay cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã làm xong và băng giữa diện tích sản xuất của gia đình.
Theo ông Mâu, để đi từ bên này sang bên kia ông phải đi đường vòng. Ngày nắng đi đã cực, đến ngày mưa thì đường rất lầy lội không thể đi được.
"Có lúc tôi phải liều mình băng qua đường cao tốc để vào ruộng chăm sóc lúa, biết nguy hiểm nhưng đành chịu vì không có đường để đi", ông Mâu nói.
Không làm đường gom vì địa phương không đề xuất?
Ông Ngô Thanh Lâm - phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái - cho biết địa phương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền địa phương, người dân và Ban quản lý dự án 85 rà soát.
Thực tế đoạn qua xã Phước Trung tại các vị trí Km78+880, Km81+100 đã có bố trí các hầm chui dân sinh kết nối với đường dân sinh cũ và mới với các lý trình Km78 + 880, Km81 + 100. Đồng thời tại Km79 + 952 đã bố trí cống thoát nước.
Theo ông Lâm, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con đi lại sản xuất và vận chuyển hàng hóa và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, UBND huyện Bác Ái đã có văn bản gửi Ban quản lý 85 từ tháng 3-2024.
"Huyện kiến nghị Ban quản lý dự án 85 thực hiện theo phương án đầu tư kéo dài sân cống, gia cố nền đường phạm vi sát sân cống cho bà con đi lại được thuận lợi" - ông Lâm nói.
Về vấn đề này, ông Bùi Trọng Lai - phụ trách điều hành dự án 3, Ban quản lý dự án 85 - cho biết khu vực trên không bố trí đường gom dân sinh vì địa phương không đề xuất.
"Hết mùa mưa này, chúng tôi sẽ triển khai đầu tư kéo dài sân cống, gia cố nền đường phạm vi sát sân cống cho bà con đi lại thuận lợi hơn như đề xuất của UBND huyện Bác Ái" - ông Lai nói.
Ông Bùi Trọng Lai cho biết thêm đối với tỉnh Ninh Thuận, phía dự án sẽ triển khai bổ sung 25 đoạn đường gom dân sinh với chiều dài 6,8km. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là vướng mặt bằng, hiện mới chỉ giải phóng được 11/25 đoạn. Các đoạn chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu ở huyện Thuận Bắc, hiện chưa thể thi công được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận