08/11/2020 11:44 GMT+7

Đàn ông cũng cần bình đẳng, được... ngồi lê 'bà tám'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong một gia đình hiện đại, cha, giống như mẹ, cũng được quyền khóc khi buồn, quyền săn đồ giảm giá để giải khuây, có quyền mệt mỏi mỗi lúc đi làm về, hay quyền thích may vá và lười thể thao.

Đàn ông cũng cần bình đẳng, được... ngồi lê bà tám - Ảnh 1.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông cũng cần được bình đẳng, chứ không chỉ có phụ nữ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bé trai thì có quyền thích màu hồng, chơi búp bê, không là anh hùng; bé gái có quyền ăn mặc lôi thôi, nghịch ngợm, chơi ôtô, không phải là công chúa yểu điệu...

Đàn ông cũng có quyền... "bà tám"

Những việc trên có xô đổ các giá trị truyền thống phương Đông, làm thay đổi suy nghĩ và những định kiến về quyền của mọi người đang nhen nhóm trong các gia đình ở xã hội hiện đại Việt Nam, nhất là ở thành phố. Bình đẳng giới không phải chỉ là đòi quyền cho phụ nữ và bé gái, mà phải có cả đấu tranh đòi quyền cho nam giới, bé trai.

Là viện trưởng một viện có uy tín ở Hà Nội khi tuổi đời còn trẻ, rất có năng lực và tâm huyết, anh Minh (nhân vật đã được đổi tên) như một hình mẫu đàn ông lý tưởng cả trong gia đình và ngoài xã hội. Anh thường xuyên xuất hiện trên các trang báo, truyền hình cho những câu chuyện nóng bỏng của xã hội. 

Vợ anh cũng rất tháo vát trong kinh tế. Trong mắt thiên hạ, gia đình anh thật hạnh phúc, vợ chồng thành đạt. Anh trong mắt mọi người và cả trong mắt vợ con là một người đàn ông mẫu mực, thành công, hoàn hảo.

Chỉ có người bạn thân của anh mới biết sự thật: anh bị stress triền miên vì cái áo hoàn hảo anh tự khoác lên mình và mọi người, kể cả vợ con, khoác lên cho anh. Nhiều lúc anh Minh đã ước rằng mình có thể được quyền mệt mỏi, được quyền "xấu tính", được bực bội cáu gắt, than vãn khi trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, thậm chí quyền được ngồi lê... "bà tám" - nhiều chuyện. 

Trong khi đó, vợ anh có lẽ cũng từng ước rằng cô không cần phải cố gắng che giấu rằng mình là trụ cột kinh tế trong gia đình chứ không phải chồng.

Một câu chuyện khác được TS giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy (giảng viên ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về các vấn đề xã hội, bình đẳng giới, tâm lý học xã hội) chia sẻ bên lề buổi giao lưu ra mắt bộ sách Tuyên bố quyền của bố, mẹ, con trai, con gái vừa diễn ra tại Hà Nội.

TS Bích Thủy kể bà từng được nghe chia sẻ của một giáo viên mầm non về một "ca" khó khi đi tập huấn cho các giáo viên liên quan đến xây dựng trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng cho bé. Đó là trường hợp ở một ngôi trường mầm non, một hôm cô giáo phát hiện một bạn học sinh nam 3 tuổi có những cảm xúc, mong muốn, hành động như bạn nữ. Bạn học sinh thích màu hồng, thích chơi búp bê, chỉ thích chơi với nữ, cử chỉ biểu đạt rất nhẹ nhàng, ẻo lả.

Khi thấy vậy, cô giáo vội trao đổi với gia đình, sau đó cả cô giáo và gia đình đều có những cấm đoán bạn nhỏ này không cho chơi các trò chơi của nữ mà bạn thích. Nhưng sau hai năm gia đình và cô giáo dùng mọi cách để tách em khỏi sở thích thật sự của em nhỏ thì không những không triệt bỏ được "nữ tính" của em mà trái lại, thiên hướng mong muốn được là nữ của em càng mãnh liệt hơn.

Bình đẳng giới không độc quyền cho phụ nữ

Từng có nhiều nghiên cứu liên quan đến bình đẳng giới, TS Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng hiện đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc nhìn nhận vai trò của các thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Đầu tiên là sự thay đổi vai trò người trụ cột trong gia đình, trước đây thường được cho là thuộc về người chồng nhưng bây giờ có thể thay đổi, tùy vào từng gia đình.

Thứ hai là trong các gia đình Việt Nam hiện nay cũng đang dần thay đổi trong chia sẻ việc nhà, đặc biệt là các gia đình hiện đại, gia đình trí thức có sự công bằng hơn, ít chịu ảnh hưởng của các giá trị truyền thống trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức. 

Tuy nhiên, những thay đổi này mới chỉ là bước đầu. Thực tế đàn ông Việt Nam hiện đại đang phải mang một cái áo khoác mà xã hội gán cho là phải mạnh mẽ, là trụ cột gia đình, lo cho gia đình, làm công to việc lớn.

Nhưng đàn ông cũng có lúc có nhu cầu được yêu thương, được san sẻ, được bộc lộ cảm xúc thật, được yếu đuối. Đó là những góc khuất phía sau mỗi cái áo mạnh mẽ mà đàn ông Việt Nam đang mặc, cần được phân tích và đánh giá. 

"Chồng của mình cũng có lúc mệt mỏi vì công việc, cần mình hỗ trợ. Những đồng nghiệp nam bị stress, họ cũng cần được san sẻ, cần khoảnh khắc được bộc lộ cảm xúc yếu đuối của mình và được lắng nghe", bà Bích Thủy nói.

Theo bà, chuyện bình đẳng giới ở Việt Nam lâu nay mới chỉ đang nhấn mạnh quyền của người phụ nữ, khẳng định quyền của người phụ nữ, của em gái. Thế nhưng thực tế bình đẳng giới liên quan đến nhiều giới khác như nam giới, đồng tính, những người này cũng cần được bình đẳng.

Những quyền "kỳ lạ" trong gia đình hiện đại

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu một bộ sách tuyên bố về quyền của Pháp gồm 4 cuốn: Tuyên bố quyền của mẹ, Tuyên bố quyền của bố, Tuyên bố quyền của con trai, Tuyên bố quyền của con gái. Bộ sách mang đến cho độc giả hàng loạt quyền rất "kỳ lạ" mới được phát minh, nhằm nhắc nhở rằng việc tôn trọng sự bình đẳng giữa tất cả mọi người là cấp thiết. Trong đó, những tuyên bố về quyền của bố và con trai có thể gây sốc cho không ít người Việt.

Giống như mọi bà mẹ trên đời, ông bố cũng có những quyền như: không hoàn hảo, không phải biết tất cả mọi thứ trên đời, quyền bực bội cáu gắt, than vãn, quyền khóc vì cảm động lúc xem phim hoặc khi gặp chuyện cực buồn, quyền nhút nhát hơn, trẻ trung hơn và thậm chí là nhỏ nhắn hơn so với mẹ.

Những ông bố cũng có quyền được mệt mỏi mỗi lúc đi làm về, có quyền không muốn vui đùa, tranh luận hay đọc truyện cho con, quyền không chơi thể thao, không hí hoáy sửa chữa. Thậm chí bố có quyền không phải là một người hùng, quyền biết khâu lại cúc áo, là ủi đồ, nấu bữa tối, đi đổ rác, giặt giũ, quyền săn đồ giảm giá để giải khuây...

Con trai, cũng giống như con gái, cũng có quyền khóc nhè, chơi búp bê, mặc quần áo màu hồng, học giỏi môn tập đọc. Con trai có quyền thoát khỏi gánh nặng trở thành siêu anh hùng và được yêu thương người mình muốn, dẫu đó là con gái hay con trai, hoặc cả hai.

Mẹ, giống như bố, có quyền không hoàn hảo, quyền biết sửa xe đạp, tỏa sáng trong công việc, được yên tĩnh khi ngồi đọc sách trong nhà vệ sinh hay quyền đi bước nữa và sống hạnh phúc như trong câu chuyện tình yêu mà mẹ hằng mong ước.

Con gái, giống con trai, có quyền được ăn mặc lôi thôi, để tóc bù xù, được nghịch ngợm, châm chọc người khác. Con gái có quyền chọn nghề nghiệp mình yêu thích, tự do thoát khỏi các mác công chúa và yêu thương người mình muốn, dẫu đó là gái hay trai, hoặc cả hai người đó.

'Bình đẳng giới để đưa nam - nữ xích lại gần nhau hơn'

TTO - Anh Nguyễn Đình Thành, đại diện một công ty truyền thông, chia sẻ đàn ông Việt Nam cũng đang chịu sức ép rất lớn, vì "đàn ông không được khóc", phải thành đạt.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên