Vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ
Người Việt Nam ta dẫu bây giờ đã hiện đại hơn trước nhiều, nhiều lối suy nghĩ rộng mở hơn ngày xưa, tuy nhiên, tư tưởng trọng nam vẫn còn rõ nét trong đời sống hằng ngày.
Mỗi người trưởng thành khi đến tuổi lập gia đình rồi sinh con đẻ cái, họ luôn mong muốn được "có nếp, có tẻ" để yên tâm cân bằng mọi thứ trong gia đình.
Những gia đình có con gái đầu lòng, đến khi bầu đứa thứ hai lại nơm nớp lo sợ, không biết đứa trẻ tiếp theo sinh ra là trai hay gái.
Rồi nếu như, hai đứa con đầu là gái, không ít người vẫn tiếp tục cố thêm đứa nữa để kiếm chút con trai. Những nhà có điều kiện kinh tế, để chắc ăn, họ chọn biện pháp sàng lọc, thụ tinh nhân tạo để sinh con trai.
Những nhà kinh tế khó khăn, họ "nhắm mắt đưa chân" cầu vào may rủi. Một số gia đình đứa thứ ba may mắn là con trai thì thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng cũng không ít những gia đình phải cay đắng chấp nhận sự thật là đẻ "một bầy vịt giời" trong tiếng thở dài não nuột đầy tiếc nuối. Dẫu không còn nặng nề "trọng nam khinh nữ", nhưng bao giờ vị trí đứa cháu trai, người đàn ông cũng luôn được đánh giá cao hơn trong suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam.
Nhìn rộng ra, trong cuộc sống đời thường hằng ngày, đến tuổi trưởng thành, phụ nữ hay đàn ông cũng có một công việc của riêng mình để duy trì thu nhập.
Trăm ngàn áp lực
Trong một gia đình, người phụ nữ ngoài việc đi làm kiếm tiền, về nhà còn có rất nhiều công việc chờ đợi cô ấy: chợ búa, bếp núc, con cái học hành, thu dọn nhà cửa, đối nội đối ngoại… Đàn ông cũng đi làm, nhưng hết giờ làm đa số họ chỉ giao lưu bạn bè, giải trí và… chờ vợ dọn cơm.
Họ cũng có thể tham gia vào một số công đoạn nhưng không phải là tự nguyện làm, mà chỉ làm khi vợ "nhờ vả", "sai khiến". Bởi bản thân cả người đàn ông và phụ nữ đều coi việc bếp núc, nội trợ là của phụ nữ.
Tuy nhiên, người phụ nữ sẽ rất vui vẻ và hạnh phúc khi lấy được một người chồng luôn chủ động và sẵn lòng sẻ chia việc nhà với họ.
Phụ nữ cứ thế, quần quật ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Họ cũng có nhiều lúc ốm đau, mệt mỏi, không ít lúc họ phải đối mặt với những áp lực từ công việc mang lại, nhưng về nhà họ vẫn luôn phải đảm đương tốt vai trò làm vợ và làm mẹ trong gia đình.
Chính vì vậy, đối với họ, những ngày lễ như 20-10, 8-3 là sự động viên tinh thần rất lớn đối với họ, vì họ nghĩ rằng đó là ngày họ được quyền "nổi dậy" bằng cách quên đi mọi trách nhiệm hằng ngày để vui vẻ gặp gỡ bù khú với bạn bè, để vui sướng đón nhận những món quà từ những người đàn ông của họ.
Điều khiến họ vui không phải nằm ở giá trị của món quà, mà là tinh thần tôn vinh, biết ơn và ghi nhận sự hy sinh thầm lặng hằng ngày của người đàn ông dành cho họ. Họ hy sinh cả năm để chỉ nhận những niềm vui nhỏ bé trong những ngày lễ ngắn ngủi đó.
Để rồi sau đó, họ lại vui vẻ hy sinh và cống hiến cho những ngày tháng tiếp theo trong vòng quay trách nhiệm gắn với cuộc đời mình.
Món quà dành tặng phụ nữ trong ngày này không nhất thiết phải đắt tiền hay đồ sộ, đó có thể chỉ là một bông hoa, một cái thiệp nhỏ xinh cùng lời chúc đầy yêu thương hay kể cả một vòng tay âu yếm đầy tình cảm. Chỉ như vậy thôi là phụ nữ đã hạnh phúc và thỏa mãn lắm rồi.
Đàn ông à, xin đừng bỏ qua những ngày lễ ngắn như 8-3 hay 20-10. Xin đừng thấy rằng những ngày kỷ niệm của phụ nữ là rườm rà, nặng nề và hình thức. Con người, ai cũng sống bằng niềm vui, sự phấn khởi và nguồn năng lượng tinh thần tươi mới. Sinh ra là con gái, bản thân người phụ nữ họ đã chịu đủ mọi thiệt thòi rồi.
Xin hãy trân trọng, yêu thương và đừng tiếc gì họ vài ngày lễ ngắn ngủi trong một năm, đàn ông nhé!
Mời bạn đọc cùng trao đổi, chia sẻ về chủ đề: "Có phải phụ nữ cần được tặng quà và có quà mới vui?" gửi về email [email protected] hoặc bình luận ở dưới bài. Cảm ơn bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận