18/04/2018 20:35 GMT+7

Dân ôm cây chuối bơi ra sông Hậu 'đấu' xáng cạp

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Dù UBND tỉnh An Giang khẳng định đây là lợi ích cho bà con cả hai bên bờ nhưng hai ngày qua, dự án nạo vét cát chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân bờ Vĩnh Trường.

Dân ôm cây chuối bơi ra sông Hậu đấu xáng cạp - Ảnh 1.

Hai thanh niên vừa nhậu xong bơi ra giữa sông Hậu để phản ứng xáng cạp và bị công an "đuổi" vô - Ảnh: BỬU ĐẤU

Từ chiều tối 17-4, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ngắn quay cảnh một nhóm người dân kéo ra bờ sông cầm cờ Tổ quốc, thậm chí một số người bơi ra giữa sông, đến các phản ứng gay gắt.

Ôm cây chuối bơi ra "đấu" xáng cạp

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú ngày 18-4, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nhiều nhóm nhỏ người dân ngồi chờ ven sẵn sàng ra phản ứng xáng cạp.

Các ngành chức năng từ xã đến huyện cũng đã huy động trên 80 cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự, xã, ấp... túc trực ở khu vực ấp Vĩnh Nghĩa để giữ gìn an ninh trật tự, vận động bà con không quá khích để đơn vị thi công dự án được thuận lợi.

Theo một cán bộ công an, hiện có gần 20 người dân khu vực này không đồng ý thực hiện dự án.

Dân ôm cây chuối bơi ra sông Hậu đấu xáng cạp - Ảnh 2.

Người dân cầm cờ Tổ quốc đứng cặp bờ sông Hậu phản ứng, xung quanh là lực lượng làm nhiệm vụ công an, cảnh sát giao thông - Ảnh cắt từ clip

Anh Lê Văn Út Em, dân xã Vĩnh Trường, cho biết đất vùng này là đất bãi bồi nên việc thi công nạo vét sẽ gây nguy cơ sạt lở mất cả đuôi cồn. Bằng chứng bờ bên kia sông là xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đã bị sạt lở gần đứt cả đường giao thông liên xã.

"Tụi tui tha thiết yêu cầu dừng thi công dự án này. Có ai chắc chắn rằng bờ bên đây không sạt lở? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho bà con chúng tôi?” - anh Em nêu ý kiến.

Còn ông Nguyễn Văn Tổng, 72 tuổi, cho rằng người dân lo ngại sạt lở nên ra phản ứng và yêu cầu đơn vị thi công dừng múc cát bởi 2 ngày qua đơn vị này đã chở đi rất nhiều sà lan cát mà không biết đi đâu.

“Chúng tôi mong muốn được đối thoại với chính quyền cấp trên và yêu cầu dừng dự án này” - ông Tổng giải thích.

Đây là lần thứ hai người dân ấp Vĩnh Nghĩa kéo ra bờ sông phản ứng dự án này. Trước đó, vào ngày 14-1, hàng chục người cũng thuê ghe ra phản ứng với doanh nghiệp thực hiện dự án.

Lực lượng chức năng yêu cầu người dân không manh động để đơn vị thi công thực hiện dự án - Video: B.T

Vừa vận động vừa thực hiện dự án

Lãnh đạo UBND xã Châu Phong cho biết xã bị sạt lở nghiêm trọng nhiều năm qua, ăn sâu vào đất liền khoảng 25 mét mỗi năm.

Tỉnh và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã tiến hành khảo sát, đo đạc địa hình đáy sông, địa chất và bờ sông Hậu, nhận thấy nơi này đang bồi lắng cao. Nếu không nạo vét ra giữa sông Hậu thì nguy cơ sạt lở vẫn tái diễn.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) An Giang, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã khảo sát địa chất và có đầy đủ báo cáo chi tiết toàn diện dự án "Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đoạn sông Hậu thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Vĩnh Trường, Đa Phước, huyện An Phú, An Giang" và đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt.

Theo đó, Công ty TNHH một thành viên khoáng sản Minh Thư sẽ thi công trong 2 năm, với chiều dài đoạn nạo vét 1,4km, rộng 130 - 180m và sâu 11m. Tổng trữ lượng cát thu hồi được ước khoảng 700.000m3.

Mục đích chính của dự án là hạn chế sạt lở bờ xã Châu Phong, đồng thời khơi thông luồng chảy sông Hậu.

Dân ôm cây chuối bơi ra sông Hậu đấu xáng cạp - Ảnh 4.

Đơn vị thi công múc cát từ lòng sông Hậu đưa lên sà lan đang đậu chực chờ sẵn nên người dân cho rằng như vậy là mang đi bán - Ảnh: BỬU ĐẤU

"Hiện bờ xã Vĩnh Trường đã bồi lấp 3/4 dòng sông. Nếu không nạo vét chỉnh trị dòng chảy và làm bờ kè bên xã Châu Phong thì dòng nước xoáy hàng năm sẽ ăn sâu vào bờ xã Châu Phong, thậm chí có thể xóa sổ cả xã này" - ông Hồ Văn Quý, trưởng phòng khoáng sản Sở TN-MT An Giang, cho biết.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lâm Quang Thi - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - khẳng định dự án được tỉnh thống nhất trên cơ sở đề xuất của Sở TN-MT. Về cơ sở khoa học, dự án này nạo vét hoàn toàn đúng.

“Phía bờ Châu Phong đang sạt lở nặng, mình làm vậy là có lợi cho cả cộng đồng. Nếu không làm thì sạt lở có thể xóa sổ cả xã bên kia. Hiện tỉnh vừa tiến hành thi công vừa tiếp tục động viên bà con ủng hộ” - ông Thi nói.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên