Người dân nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ lại lao đao vì cá chết khi nước sông Đà cạn kỷ lục - Ảnh: T.QUÂN
Hai tuần qua kể từ khi nước sông Đà có hiện tượng rút nhanh, 50 lồng cá của ông Thiều Minh Thế (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) bị thiệt hại khoảng 4 tấn cá các loại, ước thiệt hại khoảng 250 triệu đồng.
Theo ông Thế, đây là đợt nước sông cạn nhất từ đầu năm, hiện tại để khắc phục tình trạng trên, gia đình đã huy động và thuê máy bơm hút cát dưới đáy lồng và bơm oxy để cứu cá.
"Ngày hôm qua cá chết rất nhiều, bà con tập trung cứu cá không vận chuyển đi đâu được. Nước cạn 2 tuần nay, ngày nào cũng phải hút cát ra và bơm oxy vào, nếu tình trạng cạn kéo dài khoảng 1 tuần nữa thì không thể nuôi được cá lồng" - ông Thế nói.
Dân nuôi cá lồng lại lao đao vì sông Đà cạn trơ đáy - Video: T.QUÂN
Ông Trần Văn Hướng, ở khu 5, xã Xuân Lộc, cho biết từ ngày 10-11, mực nước trên sông Đà xuống thấp theo từng ngày, đỉnh điểm cạn nhất vào ngày 22-11.
"Với 10 lồng nuôi cá trắm, diêu hồng và cá lăng, tôi đã huy động nhân lực trong gia đình, sử dụng máy hút cát, máy bơm để tạo độ sâu và tăng thêm oxy hỗ trợ cá. Tuy nhiên, hiện nay nước từ thượng nguồn đổ về ít nên dòng chảy trên sông rất kém, thêm vào đó, phía ngoài khu vực nuôi đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn" - ông Hướng nói.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Thủy có tổng số 318 lồng nuôi. Tại xã Xuân Lộc có 171 lồng, hiện đã có 41 lồng đã bị mắc cạn hoàn toàn, khoảng 100 lồng có nguy cơ bị mắc cạn.
Người dân phải bơm nước để tạo độ sâu và tăng thêm oxy hỗ trợ cá - Ảnh: T.QUÂN
Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn vị trí nuôi an toàn, có mực nước ổn định để đảm bảo sản xuất, đặc biệt khi cá đạt kích cỡ xuất bán cần nhanh chóng liên hệ với các thương lái để xuất bán, tránh giữ cá, chờ giá cao.
Đồng thời thay đổi cơ cấu giống, kích thước giống nuôi phù hợp, trong đó, tăng cường sử dụng các loại giống có kích cỡ lớn và các loại giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian nuôi hoặc khi gặp sự cố bất thường có thể thu hoạch xuất bán luôn.
Chi cục Thủy sản cũng sẽ phối hợp với huyện và địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch nuôi cá lồng trên sông Đà, khuyến cáo người dân giảm quy mô nuôi cá lồng trên sông ở những vị trí đã có dấu hiệu bị bồi cát cục bộ để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Như Tuổi Trẻ Online phản ánh hồi đầu tháng 10-2020, sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ, mở các cửa xả đáy đã làm mực nước dâng cao, chảy xiết, nước đục dẫn đến 40 tấn cá nuôi lồng trên sông Đà ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) chết, thiệt hại ước tính khoảng 3 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận