Hai vợ chồng cựu chiến binh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) là ông bà Hoàng Minh Quyến (75 tuổi), Đinh Thúy Lan (69 tuổi) xin nộp tiền sử dụng đất tái định cư để xóa nợ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nhưng hơn 2 tháng nay các cơ quan chức năng ở TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa chưa giải quyết việc trả nợ của dân.
Dân trả nợ, cơ quan nhà nước không thu, không hẹn ngày giải quyết
Theo đơn, năm 2014, gia đình ông Quyến, bà Lan bị TP Nha Trang thu hồi khu đất hơn 600m2 đối diện đảo Hòn Đỏ (phường Vĩnh Thọ) để thực hiện dự án khu dân cư 32-33 Sơn Hải (giáp đường Phạm Văn Đồng).
Gia đình được giao lại 4 lô đất tái định cư tại chỗ (tổng cộng 220m2). Đến năm 2018, chính quyền cấp sổ đỏ cho ông Quyến, bà Lan và các hộ của ba người con trai. Sau đó, hai ông bà mua thêm một lô đất tái định cư liền kề với ý định hợp thửa để bán khi có người mua làm khách sạn.
Trong các sổ đỏ đất tái định cư đó đều được ghi nợ tiền sử dụng đất và tiền lệ phí trước bạ. Đến nay vẫn còn ba sổ đỏ chưa được xóa nợ, nên không thể bán hay thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Vì vậy, ông Quyến, bà Lan vay mượn tiền để trả nợ cho Nhà nước trong ba sổ đỏ trên (tổng số tiền hơn 1,92 tỉ đồng) để được xóa nợ, rồi bán hoặc thế chấp ngân hàng vay vốn lấy tiền trả nợ, chữa bệnh, dưỡng già.
Từ ngày 2-11-2023, đại diện gia đình ông Quyến, bà Lan đã nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế TP Nha Trang, xin thanh toán nợ cho Nhà nước để được xóa nợ trên các sổ đỏ. Nhưng cơ quan thuế không giải quyết và cũng không hẹn thời gian cụ thể đến bao giờ mới giải quyết thu tiền trả nợ của ông bà.
Quy định đã có, sao không giải quyết cho dân?
Theo báo cáo của Chi cục Thuế TP Nha Trang, có nhiều trường hợp tương tự cũng bị vướng mắc khi thanh toán tiền sử dụng đất tái định cư để được xóa nợ như gia đình trên.
Theo luật sư Hoàng Bá Mỹ (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), ông Quyến, bà Lan thuộc diện gia đình chính sách, được ghi nợ tiền sử dụng đất tái định cư theo quy định pháp luật.
Còn trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đã ghi nợ khi được Nhà nước giao đất tái định cư thì đã được Chính phủ quy định rất cụ thể, rõ ràng tại nghị định 79/2019/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-12-2019).
Theo đó, trường hợp "quá thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để được xác định lại số tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp… và nhận thông báo của cơ quan thuế ngay trong ngày làm việc" để nộp tiền thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Sau khi nộp tiền thanh toán nợ, khi người dân nộp hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai (theo quy định) thì văn phòng này phải làm thủ tục để "thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận và trả lại giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân ngay trong ngày làm việc".
Gia đình ông Quyến, bà Lan chấp hành thực hiện theo quy định "quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ".
Thế nhưng, theo ông Quyến, bà Lan, "vì tưởng các cơ quan nhà nước ở tỉnh Khánh Hòa cũng chấp hành, thực hiện đúng các quy định pháp luật, tại nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ nên gia đình đã đi vay mượn tiền nhằm thanh toán nợ cho Nhà nước để được xóa nợ ghi trên sổ đỏ".
Vậy mà khi làm thủ tục để trả nợ cho Nhà nước (từ ngày 2-11-2023) thì gia đình ông Quyến, bà Lan không được giải quyết "nhận thông báo của cơ quan thuế ngay trong ngày làm việc", mà đến nay đã hơn 2 tháng vẫn chìm trong im lặng.
Vì vậy, trong đơn thỉnh cầu, kêu cứu, ông Quyến, bà Lan thắc mắc cho rằng "cơ quan này đổ trách nhiệm cho cơ quan khác, đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm… không biết đến bao giờ chúng tôi mới được nộp thuế cho Nhà nước, để được hưởng trọn vẹn quyền của người sử dụng đất?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận