12/06/2004 05:01 GMT+7

Đàn nhị có phải là đàn... đám ma?

HOÀI HƯƠNG - UYÊN LY
HOÀI HƯƠNG - UYÊN LY

TT - Tại Hà Nội, các em học sinh tiểu học rất thích thú “kết bạn” với các nhạc cụ dân tộc thông qua dự án “Đưa âm nhạc truyền thống về giới thiệu và đào tạo tại các trường tiểu học, phát triển khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống trong tương lai” do Nhạc viện Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Quĩ Ford.

wKnQ5viz.jpgPhóng to
Các nhạc công tí hon Trường dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) biểu diễn đàn tranh
TT - Tại Hà Nội, các em học sinh tiểu học rất thích thú “kết bạn” với các nhạc cụ dân tộc thông qua dự án “Đưa âm nhạc truyền thống về giới thiệu và đào tạo tại các trường tiểu học, phát triển khán giả trung thành cho âm nhạc truyền thống trong tương lai” do Nhạc viện Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Quĩ Ford.

Mười trường tiểu học tham gia dự án được trang bị mười bộ nhạc cụ đủ dùng cho một lớp 30 học sinh (mỗi bộ gồm một trống, một tam thập lục, một đàn bầu, hai đàn nhị, hai đàn tranh, hai tì bà, hai đàn nguyệt và năm sáo trúc).

Sau một tuần học tập căng thẳng, cứ đến thứ bảy, chủ nhật các em lại được tiếp xúc với các loại nhạc cụ đã được lựa chọn sao cho phù hợp với năng khiếu của từng em và được giảng viên và giáo sinh Nhạc viện Hà Nội tận tình hướng dẫn.

Giai đoạn 1 dự án sẽ kết thúc vào tháng chín. Sau khi kết quả được báo cáo thành công lên Bộ Văn hóa - thông tin và Bộ Giáo dục - đào tạo, dự án sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn 2 với mô hình đào tạo được nhân rộng ra ở tất cả trường tiểu học lớn của thủ đô cũng như của các tỉnh.

“Đây là một phương pháp tốt nhất nhằm giữ gìn vốn âm nhạc truyền thống của đất nước” - ban lãnh đạo Nhạc viện Hà Nội khẳng định.

Đối với cả hai bên, đặc biệt là các học trò nhỏ, việc học và dạy nhạc này quả là thú vị và mới mẻ chưa từng thấy.

Các em đang ở lứa tuổi hồn nhiên và đa số chưa được làm quen với bất kỳ nhạc cụ nào.

Giáo trình vì thế được biên soạn hết sức linh hoạt chứ không mang tính áp đặt, để có thể áp dụng đồng loạt cho học sinh từ lớp 1 - 5.

Thầy giáo Đoàn Quang Trung, dạy môn đàn bầu tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ và Phương Nam, hào hứng kể về những kỷ niệm vui vui. Học trò có lúc hỏi thầy: “Em hay nhìn thấy đàn nhị trong đám ma, thế đàn nhị có phải là đàn đám ma không hả thầy?”.

Vậy là thầy cất công cả buổi giải thích cặn kẽ về nguồn gốc và đặc điểm của từng loại nhạc cụ cho các em hiểu.

Nhiều em cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc với hi vọng sẽ được bố mẹ thưởng một cây đàn hay tiết kiệm tiền mừng tuổi, tiền quà vặt để “bỏ lợn” chờ đủ tiền mua đàn.

Hoặc chuyện ngồ ngộ như một số học sinh ban đầu đăng ký học sáo rồi phải chuyển qua học nhạc cụ khác chỉ vì... đến tuổi thay răng.

Sau hơn bảy tháng, hơn 350 học sinh đã nắm được một phần lý thuyết âm nhạc cơ bản, đã có thể đọc bản nhạc và chơi trên nhạc cụ, độc tấu và hòa tấu những tác phẩm đơn giản như Inh lả ơi, Xòe hoa, Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan...

Trường nào cũng chuẩn bị cho mình ít nhất năm tiết mục biểu diễn và thường xuyên đem ra giới thiệu trong những ngày lễ, hội hè, tổng kết năm học...

Điều đáng kể trong khi tìm hiểu nhạc cụ truyền thống là các em học được sự kiên trì (vì các nhạc cụ đều tương đối khó sử dụng so với lứa tuổi) và bắt đầu biết tò mò trước những kiến thức xã hội thiết thân như lịch sử, văn học, địa lý liên quan đến từng nhạc cụ.

Đối với 41 giảng viên và giáo sinh Nhạc viện Hà Nội, tình cảm trong sáng và sự quyến luyến thầy cô giáo của các em đã là một phần thưởng.

HOÀI HƯƠNG - UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên