02/12/2013 02:57 GMT+7

Dân mong ngôi nhà vững chắc

NGUYÊN LINH ghi
NGUYÊN LINH ghi

TT - Đó là ước mơ của người dân ở vùng bão lũ miền Trung để đến mùa mưa bão không phải bồng bế nhau chạy trốn và nhà cửa không bị tan hoang. Chúng tôi giới thiệu tiếp ý kiến bàn luận về mô hình nhà ở phù hợp vùng bão lũ.

* Bà Nguyễn Thị Hường (trú thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế):

Chỉ đủ sức dựng nhà tạm

Làng tôi sống gần mép nước Chân Mây, luôn hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhà cửa tan hoang mỗi lần bão lũ đi qua. Đến mùa mưa bão chúng tôi lo nơm nớp, bởi những cột sóng cao hung dữ có thể cuốn phăng cả làng, người dân làng tôi chỉ biết cầu nguyện. Mỗi khi mưa bão đến, 200 hộ dân thôn Bình An 2 phải bồng bế nhau chạy tránh. Chúng tôi được đưa đến trường học trú ẩn để đảm bảo tính mạng, còn tài sản phó thác cho trời.

Cơn bão số 11 vừa rồi quét qua cuốn bay toàn bộ mái fibro nhà tôi, nhiều đồ đạc trong nhà cũng bị hư hỏng. Tám năm qua, nhà tôi hai lần bị gió bão làm tốc mái, một lần bị sập đổ. Mỗi lần mưa bão đi qua là gia đình tôi lại kiệt quệ, vợ chồng nghèo chỉ đủ sức dựng lại mái nhà tạm bợ tránh nắng mưa. Ở nhà tạm bợ, chúng tôi lại lo sốt vó mỗi lần mưa bão về. Chúng tôi cũng mong làm một căn nhà nhỏ khoảng 40m2, có trụ bêtông và mái lợp vững chắc, để bảo toàn tính mạng mỗi lần mưa bão, nhưng đành chịu vì chưa có tiền. Chúng tôi cần lắm sự hỗ trợ xây căn nhà kiên cố để ở.

* Ông Bùi Ngọc Ga (chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế):

Trốn bão trong ống cống

Chúng tôi ở vùng biển, thường đối mặt với bão tố và thủy triều, tuy nhiên nhà ở của người dân hiện nay phần lớn là tạm bợ, hoặc xây dựng không đúng kỹ thuật. Nếu bão lớn đổ bộ vào thì đến hơn 90% hộ dân bị ảnh hưởng, người dân ở đây phải bỏ nhà chạy trốn. Hiện nơi trú ẩn được coi là an toàn như trường học, trụ sở cơ quan nhà nước đã quá tải và chưa chắc đã an toàn nếu có bão lớn ập vào. Cơn bão số 11 vừa qua nhiều người dân quê tôi hoảng sợ phải trốn trong ống cống.

Theo tôi, Nhà nước sớm có phương án giúp người dân sống an tâm trong mùa mưa bão, nhất là hỗ trợ họ sớm có một căn nhà kiên cố, thích nghi với điều kiện thực tế. Trước hết phải quy hoạch lại khu dân cư và kiến trúc nhà ở thích nghi với biến đổi khí hậu, mẫu nhà đảm bảo kỹ thuật được xây dựng trong khu quy hoạch dân cư thì mới đủ sức chống chọi được với bão lũ. Người dân không “đoạn tuyệt” với lũ, cũng không xây dựng căn nhà theo kiểu nhà sàn, hoặc chòi cao lêu nghêu phá vỡ kiến trúc thôn quê. Nông thôn sẽ trở nên xấu xí nếu nhà nào cũng mọc lên một “chòi canh” tránh lũ.

Tôi nghĩ rằng qua bao mùa dông bão, nhà ở vùng nông thôn đã thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt, chỉ cần gia cố, thiết kế thêm một số công năng để chống chọi lại với mưa bão. Cốt nền nhà ở phải nâng cao hơn để tránh những cơn lũ mức bình thường, còn những cơn lũ lớn thì cách tốt nhất là có gác lửng để tránh. Gác lửng được thiết kế bên trong căn nhà, diện tích khoảng 10-15m2, nơi đây sẽ là không gian sống của cả gia đình khi lũ lên, đồng thời là nơi bảo quản lương thực, tài sản có giá trị. Và quan trọng nhất là căn nhà này được thiết kế xây dựng kiên cố, có trụ và mái lợp chắc chắn. Ngoài ra, cần phải có nhiều hơn những công trình cộng đồng làm nơi trú ẩn an toàn khi có thảm họa lớn của thiên tai.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYÊN LINH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên