Hình ảnh các nhà đầu tư Nhật tìm hiểu tại dự án Vinhomes Tân Cảng là một trong những tín hiệu vui giúp TP.HCM phát triển - Ảnh: Đ.Dân |
Như đã thông tin, nhằm góp thêm một kênh thông tin để người dân gởi các ý kiến tâm huyết của mình đến lãnh đạo TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đã mở ra chuyên mục .
Và, thật bất ngờ khi chỉ sau 1 ngày phát động đã có đến hơn 1.300 lượt bạn đọc gởi ý kiến đóng góp của mình thông qua phần bình luận dưới bài viết, cũng như qua hộp thư điện tử email: [email protected].
Trong đó, nhiều nhất vẫn là những chuyện dân sinh, liên quan trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân như: mà bạn đọc ký tên Người quan sát góp ý qua bài viết .
Bên cạnh đó, còn một nỗi bức xúc khác mà rất nhiều người dân đề cập đó là nạn mãi lộ của một số CSGT biến chất đã làm xấu đi hình ảnh của một thành phố thân thiện, nghĩa tình.
Về chuyện này, bạn đọc Ta Van Phuong bức xúc: "Hiện nay có thể nói nạn mãi lộ đang hoành hành một cách nghiêm trọng, nó phổ biến đến nỗi mà người tham gia giao thông từ nhỏ đến lớn, từ người lao động đến tri thức đều cảm nhận được, nhìn thấy được, nhưng đều tặc lưỡi cho qua vì không làm gì được. Tình trạng này nếu không dẹp được thì tai nạn giao thông sẽ ngày càng tăng, lòng tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật ngày càng xói mòn."
Bạn đọc này cảnh báo: "Nếu không dẹp kịp thời, đến một lúc người dân không quan tâm đến chuyện phản ánh nữa thì hậu quả sẽ không lường và kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội".
Để dẹp bỏ tệ nạn này, bạn đọc Ta Van Phuong đề xuất nên thành lập một lực lượng thanh tra đóng vai người vi phạm như cảnh sát hình sự, tiến hành chung chi tiền để bắt tại trận, sau đó kỷ luật thật nặng mới hy vọng trị được. Ngoài ra, cũng theo bạn đọc này, TP.HCM nên khuyến khích và cho phép người vi phạm được miễn trách nhiệm, thưởng tiền nếu thu thập bằng chứng tố giác CSGT mãi lộ.
Bên cạnh những chuyện "nhỏ mà không nhỏ" như vừa nêu, nhiều bạn đọc là chuyên gia ở các ngành nghề khác cũng tâm huyết gởi những ý kiến đóng góp các vấn đề mang tầm vĩ mô với mong muốn cùng góp phần xây dựng TP phát triển.
Lãnh đạo TP.HCM có 2 tiến sĩ: một đi lên từ con đường dân sinh (doanh nghiệp) là anh Thăng, một đi lên từ con đường hàn lâm (giảng dạy) là anh Phong. Một người cá tính nhanh mạnh mà nóng là anh Thăng, một người hiền hòa tinh tế là anh Phong. Hy vọng sự kết hợp này sẽ tạo ra sức bật mới cho Thành phố mang tên Bác. |
Thanh Bình |
Trong đó, bạn đọc Trần Văn Tường tự giới thiệu là kỹ sư cầu đường, nhà ở Q9, TP.HCM đã gởi đến một tâm thư dài 1.467 từ với tiêu đề: "Hiến kế xóa kẹt xe cho TP.HCM" viết rất công phu có cả việc nêu ra thực trạng và giải pháp thực hiện.
Bạn đọc Trần Văn Tường đóng góp: "Về lâu dài TP.HCM nên xây dựng hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt nhanh, đường kết nối giao thông. Nên tận dụng môi trường sông nước, nghiên cứu phương án giao thông thủy vận chuyển hành khách công cộng ở sông Sài Gòn và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè".
Hay như cây bút quen thuộc Diệp Văn Sơn đóng góp bài viết: "Cần làm gì để quản lý hiệu quả đô thị loại đặc biệt?"
Theo ông Sơn, do TP.HCM là đô thị đặc biệt nên yêu cầu về năng lực quản lý đối với cán bộ, công chức TP.HCM phải được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, không phải xin ý kiến Bộ - Ngành Trung ương.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị TP.HCM cũng phải có chính sách như vậy đối với nhiều lĩnh vực khác như: Tài chính, Đầu tư, Giáo dục - Đào tạo, quản lý tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc...
Không chỉ bạn đọc là công dân TP.HCM đóng góp ý kiến và đặt hàng cho lãnh đạo TP, những bạn đọc ở các tỉnh thành khác cũng tích cực tham gia. Trong đó, bạn đọc Trần Thanh Liêm - Chi cục thuế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cũng hiến kế với bài viết: "Chuyển đổi cơ cấu kinh tế TP HCM theo cơ chế trung tâm hỗ tương phát triển vùng" bằng các giải pháp rất cụ thể.
Trong đó, bạn đọc này đề xuất TP.HCM nên xoá bỏ ranh giới hành chính trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp TP theo hướng đầu tư về chất đồng thời chuyển hướng phát triển công nghiệp mới dần đầu tư sang các tỉnh bạn: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Cuối thư, bạn đọc Trần Thanh Liêm bộc bạch rất chân thành: "Hơn 30 năm thay da đổi thịt, chúng tôi - dẫu rằng không là cư dân của TP - song với nghĩa tình của một TP anh hùng trong thời kỳ đổi mới - một lần nữa rất kính mong được nói lên những suy nghĩ của một công dân. Nếu có điều gì sơ sót, kính mong Đảng bộ và HĐND, UBND TP.HCM lượng thứ".
Tương tự như bạn đọc Trần Thanh Liêm ở Bình Dương, dù không là công dân của Sài Gòn - TP.HCM, nhưng bạn đọc Phan Cao Vinh từ Singapore cũng đã lấy kinh nghiệm ở quốc gia anh đang sống gởi đến bài viết với nội dung "Xây dựng con người, lấy người dân làm gốc để có sự phát triển căn cơ và bền vững".
Về yếu tố con người, bạn đọc Phan Cao Vinh kiến nghị, nên học tập Singapore, TP.HCM nên mở cửa cho nhân tài thế giới vào bởi họ sẽ là những nhân tố khác biệt, để tạo những cơ hội khác biệt cho sư phát triển xã hội chúng ta.
Cuối cùng, bạn đọc này nhận xét: "Tôi nhận thấy hiện nay Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là 1 trong số ít điểm sáng trên thế giới mà người nước ngoài rất muốn đến, sống, học tập, làm việc và đầu tư. Tuy nhiên, còn vài lý do và trở ngại cùng với sự quảng bá kém nên hiện tại vẫn còn khiêm tốn".
Tuổi Trẻ làm cầu nối "Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM" Song song với việc đăng các ý kiến dưới phần BÌNH LUẬN dưới từng bài viết, bắt đầu từ ngày 18-2 Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) sẽ mở thêm chuyên mục để người dân có thể chuyển những ý kiến hiến kế cũng như kỳ vọng của mình đến lãnh đạo TP.HCM. Các ý kiến sẽ được đăng tải trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ hoặc chuyển trực tiếp đến những người có trách nhiệm. Kính mời bạn đọc gởi ý kiến đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM về địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q. Phú Nhuận TP.HCM hoặc gởi qua địa chỉ e-mail: [email protected] |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận