Ông Quốc Hữu sửa máy cho vợ
Hiền kể, cô mua máy rửa mặt khác, nên cho mẹ cô (bà Thanh Nga) chiếc máy cũ. Bà làm rớt nên nhờ ba cô sửa. Ông sửa xong, máy làm hư tiếp. "Trình sửa của ba có hạn nên máy trục trặc hoài", cô con gái nhận định.
Sau 7-8 lần "tiến hóa", chiếc máy rửa mặt từ nút công tắc thông thường thành cục công tắc xoay, từ cục công tắc xoay lên công tắc nút, rồi lên công tắc bấm to đùng. Chỗ sạc cắm lỗ của máy thông thường, giờ nâng cấp lên jack sạc 2 lỗ.
Chiếc máy sau nhiều lần "tiến hóa"
Hiền kể: “Coi đi coi lại mình vẫn không hiểu giờ rửa mặt kiểu gì. Vậy mà mẹ vẫn can đảm dùng"
Ở phiên bản nào cũng vậy, ba vừa làm xong, hai mẹ con của Hiền đều cười đau ruột. Thương ba nên mẹ vẫn xài. Mỗi lần xài là mỗi lần sạc, khác với những chiếc máy sạc một lần xài cả tháng. Mẹ cô nói: "Mẹ rửa mặt mà sợ giựt điện cái mặt quá".
Mùa dịch vừa qua, chiếc máy xài hết công suất dẫn tới... lao lực, kêu dữ nhưng không rung. Hiền nhớ ra nhà còn chiếc máy mới. Cô đưa mẹ nhưng bà nhất quyết không chịu xài. "Bữa trước nhà định nối cho dây sạc dài ra để mẹ dễ sử dụng. Nhưng mẹ nói, mẹ thích xài cái máy cũ có dây nhợ lòng thòng, công tắc kỳ lạ, nên mình cũng thôi, không dám ý kiến nữa", cô cười nói.
Ông Trần Quốc Hữu (sinh năm 1957, tài xế xe du lịch) chia sẻ: "Xưa nay tôi thích tự mày mò và sửa chữa máy móc, thiết bị, đồ đạc trong nhà. Khi thấy vợ bị hư đồ, tôi sốt sắng sửa ngay. Vợ cũng không thích dùng máy mới, vì tính bả không thích phí phạm đồ đạc khi còn có thể sử dụng được".
Ông dựa theo nguyên lý hoạt động của máy rồi sáng chế thêm công tắc bật và chỗ cắm sạc vào máy. Điều khó khăn nhất của người đàn ông này là vợ hay làm rớt đồ và để nước tràn vào máy, nên phải tháo ra thường xuyên để chế ra công tắc bật mới.
Ông thường xuyên sửa đồ giúp vợ, sáng chế những vật dụng lạ lùng, ngộ nghĩnh cho gia đình.
Câu chuyện ba sửa máy rửa mặt cho mẹ của Hiền nhận được hơn hàng ngàn lượt thích của cư dân mạng. Họ ước ao có một chuyện tình bình dị như ba mẹ của cô gái trên.
Cửa hàng bán máy cũng liên hệ tặng mẹ Hiền một chiếc máy mới, nhưng bà Thanh Nga (sinh năm 1959, nội trợ) chỉ dùng vài lần, còn lại xài máy chồng sửa. Ông Hữu manh nha ý định chế cho cọng dây sạc dài ra 1m, nhưng các con đã... cản kịp.
Phương Hiền (bìa trái) chụp ảnh cùng gia đình
Theo Phương Hiền, mẹ cô vui vẻ, trẻ trung, gần gũi, thân thiết, còn ba lại ít nói, khô khan. Hai tính cách như bù qua sớt lại cho nhau nên dù kết hôn được gần 40 năm và có 3 người con nhưng gia đình vẫn chan hòa tiếng cười.
"Ở nhà, ba mẹ ít khi bày tỏ tình cảm. Cách thể hiện của người lớn là tự hiểu trong lòng chứ không bộc lộ bên ngoài: mẹ nấu món ba thích, đi chợ mua áo mới cho ba, xài đồ "không giống ai" của ba mới sáng chế. Còn ba trong tuần thấy mẹ mua cả chục cái áo mới nhưng không cằn nhằn. Có tiền con cái cho riêng, ba cũng đưa hết cho mẹ.
Chị em tụi mình tự cảm nhận được những điều nhỏ nhặt mà từng thành viên trong gia đình thể hiện cho nhau, yên bình và ấm áp lắm", Hiền cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận