Bên cạnh những tấm ảnh rác đầy sàn xe, anh Lý Tuấn Anh (Hưng Yên, lái xe du lịch 6 năm) cho rằng ý thức ngồi xe của người Việt quá tồi tệ, kể cả người 50-60 tuổi.
"Việt Nam mà!"
Chung bức xúc, nhiều người cho rằng đó là do người Việt luôn nghĩ mất tiền mua dịch vụ thì xài xả láng.
"Tháng tết này, chạy chuyến nào tôi cũng lượm vỏ hướng dương, vỏ dưa, bí đủ loại. Có người lên xe hỏi được hút thuốc không thì người bên cạnh đã phì phèo. Túi nilông trên xe nhiều, nhưng say xe nôn mửa thì bấm kính, nôn ra ngoài văng đầy cửa xe", tài khoản Nguyễn Thành Luân kể. Người khác lại chứng kiến cảnh khách ăn bưởi không hết xong nhét luôn nửa quả vào khe ghế, ba hôm sau mốc xanh, mốc đỏ.
Sàn xe khách như một bãi rác trong dịp Tết Mậu Tuất - Ảnh: TUẤN ANH
Câu chuyện của tài khoản Bảo Nguyên Nguyễn Khoa (một hướng dẫn viên xuyên Việt từng dẫn đoàn giáo viên cấp II đi tham quan Sa Pa) cho thấy kể cả những người được kỳ vọng sẽ hành xử cũng không có ý thức.
"Lúc đón đoàn, mình thấy lỉnh kỉnh mấy bao bánh bột lọc, nước mắm... là không ổn rồi. Lên xe, chào hỏi xong mình dặn các cô, các thầy bỏ lá gói vào túi nilông, phát khăn giấy ướt để chùi tay cho từng người. Vậy mà lúc sau lá gói vứt đầy ra sàn, rèm cửa biến thành khăn chùi tay, còn khăn giấy ướt thì lau mặt", anh này kể.
Tài khoản Minh Dung Nguyen kể: "Đi xe buýt qua cầu Thăng Long, một bé ăn xong nhờ vứt hộ túi nilông có vỏ ly ra ngoài cửa sổ lúc đang đi trên cầu. Tôi không đồng ý. Mấy bà ngồi cạnh bảo Đưa đây bà vứt, rồi mở cửa vứt toẹt ra ngoài".
Mùa tết vỏ hạt dưa, hạt bí xả đầy sàn xe - Ảnh: TUẤN ANH
Rất nhiều người cho rằng những câu chuyện trên chỉ là chuyện thường ngày. Không chỉ , "nói chuyện bôm bốp, ồn ã hơn cả chợ ven sông", "cho khách xuống phải nhìn trước ngó sau như ăn trộm, sểnh tí là mất tiền ngay" mà còn "mang rượu, bộ bài lên xe, vừa uống vừa chơi bài ầm ĩ".
Tài khoản Trần Thanh Tùng, từng là hướng dẫn viên du lịch, cho rằng xe sạch, đẹp thì khách thích lắm, nhưng xe sạch đẹp do các bác tài yêu thương và chăm sóc cẩn thận từng chút một, bẩn hay xước chút là xót. Nhiều bác tài không thích chạy khách Việt vì quá bẩn và không biết giữ vệ sinh. Anh từng cùng bác tài mất cả tiếng để tẩy rửa xe.
Trăm nghìn thói xấu
Không chỉ những câu chuyện người Việt Nam xấu tính trên xe khách, cư dân mạng cũng kể tội rất nhiều thói quen xấu ăn sâu vào nếp sống thường ngày.
Đó là chuyện phố có kẻng đổ rác ỏm tỏi mà nhiều nhà không mang ra xe, năm phút sau ra đường ném. Có bạn kể: "Hôm dừng ở Quy Nhơn, ăn trong một cửa hàng fas-food mà cảm giác như ngồi trên đống rác ăn. Khách quăng xương gà, giấy, ly nước xuống đầy nền nhà". Cảnh nam thanh nữ tú ném giấy ăn trắng xóa gầm bàn như tuyết... không hề hiếm.
Tài khoản Trần Trung kể anh chứng kiến đoàn người đi lễ chùa, thấy bãi cỏ đẹp cả gia đình trải chiếu ngồi ăn, uống bia, cắn vỏ hạt bí, vất ra cỏ. Người khác kể thêm: "Hôm đi chùa Bái Đính (Ninh Bình), cạnh chỗ ngồi nghỉ ăn kem có rất nhiều thùng rác mà dân ta vẫn hồn nhiên vứt toẹt ra đất".
Một người làm ở công ty điện thoại lớn của Hàn Quốc cảm thán: "Thôi thì đủ thứ: từ người có trình độ đến công nhân, bảo vệ đều ăn cắp. Công nhân ăn cắp đồ của nhau ở tủ để đồ, rồi lại vứt hết linh kiện điện thoại vào bồn cầu. Ý thức kém ăn sâu, còn khuya mới đổi được".
Bạn Trâm Trần kể chuyện người Việt thuê chung cư cao cấp: "Người Nhật hay Hàn ở, họ giữ nhà sạch đẹp như mới. Đến lúc một người Việt thuê, họ như phá tan nhà, tự ý thay đổi nội thất trong nhà, nội thất bằng kính cũng vỡ. Tôi cạch luôn, không dám cho người Việt thuê nữa".
Tài khoản Hiển Bentley lại kể chuyện ở Đài Loan: "Tôi đi mua cơm, gặp mấy người Việt Nam. Tiệm không tính tiền cơm, chỉ tính tiền thức ăn. Vậy là họ đem theo cặp lồng nhét cơm, còn nói lấy về ăn được 3 bữa. Thấy xấu hổ".
Ý thức ở đâu ra?
Tài khoản Vũ Hoàng Đức bình luận: "Đâu xa xôi gì. Ra đường bố mẹ vẫn đầu trần, không mũ bảo hiểm, chở vợ chở con đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Đứa trẻ mẫu giáo thấy bố mẹ làm những điều không có ý thức thì học theo thôi".
Tài khoản Thư Nguyễn cũng cho rằng ý thức tốt hay xấu do giáo dục của gia đình. Chị kể: "Bé nhà mình 4 tuổi cầm vỏ hộp sữa cho đến khi nhìn thấy thùng rác. Những thứ nhỏ hơn, sạch hơn như vỏ bánh, kẹo, nilông, bọc vòi hút hay giấy thì bé nhét vào túi áo. Ở nhà mình, các bé toàn bắt chước người lớn làm những việc như thế".
Nhiều người đồng quan điểm rằng cứ tặc lưỡi chê bai nhưng bản thân không thay đổi, xã hội sẽ mãi mãi không thay đổi. Gia đình phải là cái nôi, bố mẹ phải để ý làm gương cho con cái, dạy con ý thức công cộng mới mong xã hội thay đổi trong vòng 1 - 2 thế hệ.
"Những nhà có con 6 - 7 tuổi không dạy con phép lịch sự cơ bản, khi con làm sai lại còn nói "trẻ con phải thế", hay "cháu còn bé đã biết gì đâu" thì sẽ còn nữa những thế hệ người Việt vô ý thức", một tài khoản bình luận.
Tài khoản Trương Đại Dương lại đưa ra ý kiến: "Giáo dục là ở nhà trường, gia đình, xã hội và cả bản thân. Nhà trường dạy không vứt rác nhưng gia đình vứt, xã hội vứt thì cá nhân phải làm điều ngược gia đình và xã hội. Đấy cũng là tự giáo dục bản thân".
Với việc xả rác trên xe, nhiều người cho rằng có nhiều trường hợp không hẳn là do thiếu ý thức mà ý thức phải từ nguyên tắc: nhà xe phải có quy định về xả rác trên xe, nhắc nhở bằng loa khi lên xe hay dán biển nhắc nhở, để sẵn túi rác...
Tài khoản Nguyen Huy Duc cũng đồng tình quan điểm do không nghiêm nên thành thói quen: "Chúng tôi đi công tác nước ngoài, đến sân bay nước bạn, cả đoàn xếp hàng ngay ngắn. Vậy mà về đến Nội Bài (Hà Nội) đoàn lại lộn xộn ngay, như hai đoàn khác nhau vậy!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận