Tâm An (tên thật là Lưu Nguyễn Trâm Anh, 23 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM) khiến bạn bè trầm trồ khi tự tay làm áo nhật bình bằng len sợi trong vòng hai tháng qua.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Tâm An cho biết cô mong muốn thực hiện chiếc áo này để quảng bá hình ảnh Việt phục đến cộng đồng đan móc len quốc tế. Chiếc áo nhật bình được làm từ 10 cuộn len Alize Diva với kim móc 2,5mm.
Cô gái thích móc len chia sẻ, Alize Diva là một dòng sợi acrylic có độ bóng cao nên cô muốn sử dụng để tổng thể chiếc áo được mượt mà nhất có thể. Áo được làm dựa trên kỹ thuật móc len mũi kép thành hình ngũ giác, tạo nên hai phần tay và thân áo. Các họa tiết thủy ba và cổ áo được may tay. Họa tiết phượng ổ, hạc và chim trên áo là hình in ủi nhiệt.
Trước đó, Tâm An từng mua một chiếc áo nhật bình cách tân. Cô dựa vào để tham khảo về kích cỡ, vị trí cổ áo, độ dài tay.
Cô gái trẻ dành hai tháng để thực hiện với hy vọng khi mọi người nhìn thấy tác phẩm của mình sẽ cảm nhận tình yêu của người trẻ với Việt phục, vẫn luôn cố gắng lan truyền, bảo vệ những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc giữa biển thông tin hiện nay.
"Trước đó mình từng làm áo dài bằng len sợi. Thế nhưng khi làm áo nhật bình, cảm xúc của mình vẫn trào dâng khi được tự tay làm một sản phẩm mang đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ thử thách được kỹ năng bản thân, sản phẩm này còn khiến mình tự hào khi được tự tay dệt nên một bức tranh tự hào dân tộc qua từng mũi móc.
Tác phẩm này không chỉ đơn thuần là sợi len và chỉ. Nó còn tượng trưng cho sự kiên cường, sáng tạo của người dân Việt Nam cũng như nỗ lực của người trẻ trong việc bảo tồn văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam qua các trang phục truyền thống đến bạn bè quốc tế", Tâm An cho biết.
Móc len vì yêu thích, xả stress
Tâm An cho biết, vài người cho rằng cô làm áo bằng len rất vô nghĩa, làm màu, không có giá trị kinh tế. Len sợi có tính ứng dụng không cao bằng các chất liệu vải khác, người móc phải tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành…
Thế nhưng, Tâm An cho rằng móc len là một bộ môn rất dễ chịu. Người chơi có thể dễ dàng tùy chỉnh theo ý thích và thỏa sức sáng tạo. Móc len cũng là một cách bảo vệ môi trường. Khi bạn bỏ thời gian làm một món đồ, chắc chắn bạn sẽ không nỡ vứt đi sau 2-3 lần mặc như những mặt hàng thời trang gia công thông thường.
"Mình bắt đầu tự học móc len qua YouTube từ lúc 10 tuổi. Khi ấy, mình chỉ nghĩ đơn giản là muốn làm một chiếc móc khóa tặng bạn cùng lớp. Tuy nhiên, hiện tại, mình dùng móc len như một liệu pháp giải tỏa tâm lý trong cuộc sống. Mỗi lần móc len, mình có thể gác mọi thứ sang một bên, chỉ tập trung vào từng mũi móc để hoàn thành tác phẩm. Chỉ cần bỏ công nghiên cứu, học hỏi và sự kiên nhẫn thì gần như không có gì ta không làm được cả", cô nói.
Ngoài quần áo, Tâm An còn tự tay làm cho bản thân và mọi người nhiều vật dụng khác như nón, túi xách, gấu bông…
Cô gái khao khát làm thật nhiều sản phẩm mang đậm đà bản sắc dân tộc trong tương lai để góp phần khơi gợi sự hứng thú của giới trẻ với Việt phục. Qua đó, thúc đẩy các bạn khác tự làm một phiên bản riêng cho bản thân, cũng như phổ biến sự hiểu biết về Việt phục đến các bạn quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận