17/12/2020 14:18 GMT+7

Đan Mạch phát hiện loài nấm ăn thịt biến ruồi thành 'xác sống'

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Đan Mạch vừa phát hiện 2 loài nấm mới có thể lây nhiễm cho ruồi, với các bào tử đâm thủng những lỗ to trên cơ thể chúng, trong khi vẫn giữ vật chủ tồn tại như 'xác sống'.

Đan Mạch phát hiện loài nấm ăn thịt biến ruồi thành xác sống - Ảnh 1.

Một con ruồi bị nhiễm nấm Strongwellsea tigrinae. Bào tử được thải ra ngoài qua một lỗ trên bụng. Ảnh: science.ku.dk

Trang The Guardian (Anh) đưa tin các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen đã phát hiện ra các loài nấm mới, là Strongwellsea tigrinae và Strongwellsea acerosa, có đặc tính bám vào vật chủ là hai loài ruồi ở Đan Mạch - Coenosia tigrina và Coenosia testacea.

Trong khi phần lớn nấm chỉ mọc bào tử khi vật chủ chết, 2 loài nấm này vẫn để vật chủ sống thêm nhiều ngày, hoạt động bình thường và tương tác với những con ruồi khác. Trong khi đó, loài nấm này ăn dần vào các bộ phận sinh dục, mỡ, cơ quan sinh sản và sau cùng là mô cơ thể, trong lúc bắn ra hàng ngàn bào tử bám vào những con ruồi khác.

Theo nghiên cứu của Đại học Copenhagen và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch, sau một vài ngày, con ruồi nằm ngửa, co giật trong vài giờ rồi chết.

Phương thức lây lan bất thường bằng cách để vật chủ sống trong khi phát tán bào tử được gọi là lây nhiễm vật chủ chủ động (AHT). Đây là cách hiệu quả để tiếp cận các vật chủ khỏe mạnh khác. Các nhà khoa học cho rằng nấm có thể sản sinh ra các chất biến vật chủ của chúng trở thành những 'xác sống', nghĩa là mô cơ thể vẫn tươi giúp chúng sống tiếp trong nhiều ngày sau khi nhiễm nấm và chỉ chết sau khi bị ăn hết mô trong cơ thể.

'Chúng tôi nghi ngờ rằng những loại nấm này có thể sản sinh ra các chất giống như amphetamine, giúp giữ cho mức năng lượng của ruồi luôn ở mức cao nhất cho đến khi bị ăn hết mô trong cơ thể. Chúng hoạt động giống như một chiếc tên lửa nhỏ và di chuyển rất nhanh. Nếu chúng lây lan sang một con ruồi khác, chúng sẽ bám vào lớp biểu bì và sau đó chui vào bụng, nơi chúng bắt đầu sinh sôi. Hàng ngàn bào tử sẽ được phóng thích ra ngoài từ một con ruồi', Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Jorgen Eilenberg của khoa Khoa học thực vật và Môi trường tại Đại học Copenhagen, cho biết.

Loài nấm này dường như chỉ nhiễm trên một tỉ lệ nhỏ, khoảng 3-5% con ruồi khỏe mạnh. Vì vật chủ tiếp tục sống bình thường nên rất khó xác định con ruồi nào bị nhiễm nấm, trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về cơ chế AHT. Cơ chế này trước đó chỉ được phát hiện ở 2 loài nấm lây lan cho ve sầu theo cách tương tự.

Loài nấm Strongwellsea tigrinae được phát hiện bởi Eilenberg vào năm 1993 ở Bắc Zealand, miền đông Đan Mạch. Loại nấm to hơn lần đầu tiên được nhìn thấy trong một khu dân cư ở Copenhagen bởi một trong những sinh viên của ông, Dorthe Britt Tiwald, vào năm 1998. Hiện cả hai chỉ mới chính thức được công bố là một loài nấm mới.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên