Dạo quanh một vòng siêu thị Emart Gò Vấp (TP.HCM) dịp cuối năm, sau một hồi do dự trước quầy bia có cồn, anh Bùi Văn Liêm (Gò Vấp) quyết định chọn mua hai thùng Chill Cocktail loại chỉ 3% độ cồn, giá khuyến mãi 348.000 đồng/thùng 24 lon và một thùng bia không cồn của Heineken đang được bày bán khá nhiều tại đây.
Theo anh Liêm, dịp Tết đi thăm họ hàng, bạn bè nhiều nên việc uống loại độ cồn thấp phần nào đó giúp anh yên tâm khi ra đường hơn.
Chọn bia không cồn, nước ép vì... ngại công an
Thay vì chọn bia 4-5 độ cồn như mọi năm vào dịp Tết, năm nay ông Hồ Quốc Minh (Bình Thạnh) xác định đến siêu thị chỉ mua dòng ít cồn, không cồn.
Cầm trên tay hộp 12 lon trà trái cây lên men Star Kombucha không độ cồn, ông Minh cho biết giá bán bình dân, nhiều vị, vỏ hộp sang nên đã chọn. Loại hộp 12 lon tương ứng với 12 vị và có giá 240.000 đồng/thùng, mua lẻ 20.000 đồng/lon.
"Uống bia có độ cồn nặng quen rồi nhưng nghĩ công an bắt thổi có thể bị phạt cả trăm cái bánh chưng quy đổi, nên Tết này tôi quyết định thử dùng và biếu tặng loại này. Có thể hơi nhạt miệng nhưng uống đậm quá cũng lo", ông Minh hài hước.
Năm nay cả siêu thị, chợ lẻ và chợ mạng đều nhan nhản bia không cồn, như Sagota giá trên dưới 20.000 đồng/lon, 0.0% độ cồn của Heineken, nước trái cây có gas Sedona...
Hàng nhập đa dạng, giá cạnh tranh
Ngoài sản phẩm trong nước, hiện trên thị trường xuất hiện nhiều dòng bia, nước trái cây ngoại nhập có độ cồn thấp hoặc không độ cồn, giá bán khá cạnh tranh.
Nhiều siêu thị đang bán dòng nước ép trái cây không cồn Bundaberg có hàng chục vị nhập từ Úc với giá trên dưới 50.000 đồng/chai; nước ép có gas không cồn Patritti nhập từ Úc; nước hoa quả Yeo's nhập từ Malaysia...
Trên các trang mạng, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua nhiều dòng bia nhập khẩu có độ cồn thấp như bia Luxury, bia Oettinger (Đức), bia Bavaria (Hà Lan), bia Asahi Dry Zero (Nhật Bản)... Hầu hết các dòng bia này có giá bán lẻ phổ biến 25.000 - 70.000 đồng/lon tùy loại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một công ty chuyên nhập khẩu đồ uống tại TP.HCM cho biết năm nay giảm 25-30% lượng nhập đối với các dòng rượu vang quen thuộc như Alba Due Palme (Ý), Chateau Galochet (Pháp)..., thay vào đó đã chọn tăng sản phẩm nước trái cây lên men không độ cồn và độ cồn thấp, giá bán bình dân 50.000 - 130.000 đồng/chai để phù hợp với tình hình.
Với lo ngại uống nước lên men cũng có thể có nồng độ cồn, đại diện Công ty Goody Group
(TP.HCM) khẳng định một số sản phẩm như trà lên men Star Kombucha đã được kiểm nghiệm và cam kết không cồn.
Doanh nghiệp chú trọng hơn đồ uống không cồn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty Goody Group (TP.HCM), cho biết sản xuất dòng trà trái cây lên men Star Kombucha từ năm 2019 nhưng chỉ thật sự bán ra tốt trong năm nay. Dòng sản phẩm này có nhiều vị quen thuộc như chanh dây, việt quất, xoài... và thiết kế thêm hộp quà Tết.
Trong khi đó, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết với việc sức mua đang sụt giảm, ngoài giảm giá, đơn vị chọn đẩy mạnh nhập thêm các loại bia không cồn, độ cồn thấp hoặc nước trái cây lên men. Mặt hàng này với những chủng loại có giá bán bình dân đang bán tốt, mức tăng trưởng 15-25%.
Trong khi đó, đại diện siêu thị Kingfoodmart cho biết việc tăng nhập nhiều loại đồ uống không cồn hoặc nồng độ cồn thấp do nhận thấy tâm lý "sợ thổi lên nồng độ cồn" của người dân năm nay: "Với đa dạng sản phẩm, giá bán các mặt hàng không cồn và độ cồn thấp khá bình dân và có thêm nhiều quà tặng, nhờ đó sức mua đối với phân khúc này đang tăng nhiều so với năm ngoái".
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, đại diện Công ty Heineken Việt Nam cho biết đang đẩy mạnh đa dạng sản phẩm, trong đó có phân khúc thức uống không nồng độ cồn và nồng độ cồn thấp. "Dòng bia 0.0% độ cồn được bán ra nhiều dịp Tết này", vị này nói.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) thông tin đã có sản phẩm đồ uống không cồn được đưa ra thị trường và theo chiến lược sẽ tiếp tục phát triển mạnh phân khúc đồ uống này.
Uống bia không cồn có say, thổi nồng độ cồn lên không?
Phân tích rõ hơn bia không cồn, bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) thông tin hầu hết bia không cồn được sản xuất như bia bình thường nhưng nó được thêm giai đoạn loại bỏ bớt cồn trong bia, có thể bằng cách chưng ở nhiệt độ thấp để cồn bay hơi.
Bia lúa mạch chưng cất tách cồn sẽ không hại gan mà còn ích lợi cho tiêu hóa. So sánh với bia có cồn, bia không cồn sẽ ít gây hại cho gan hơn.
Về việc uống bia không cồn có lên không khi thổi nồng độ cồn, bác sĩ Đức cho rằng theo nguyên tắc, nếu bia không có cồn thì khi thổi nồng độ cồn sẽ không lên.
Tương tự, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay trong bia thường có các thành phần chính là cồn etylic, nước và phụ gia tạo mùi vị.
Bia không cồn là được lấy hết cồn ra. Khi uống bia không cồn, dù với số lượng nhiều cũng không gây say, không ghi nhận có cồn trong máu nên thổi nồng độ cồn sẽ không lên.
Nhiều lựa chọn cho trường phái "uống không lo xỉn"
Theo một số siêu thị, các loại bia độ cồn thấp phổ biến được bán ra là Hoegaarden vị đào và mâm xôi, bia San Miguel vị vải, hoặc Chill cocktail, cider Somersby với hàng chục mùi vị, dễ uống, có giá trên dưới 20.000 - 30.000 đồng/sản phẩm tùy loại.
Trường phái "uống không xỉn" còn có nước trái cây Eva không cồn được nhập khẩu với đa dạng các vị, vỏ đẹp như chai rượu ngoại, nhưng giá bán chỉ 119.000 - 139.000 đồng/chai; Gavioli loại chai 750ml với ngoại hình bắt mắt như rượu nhưng không cồn, giá 150.000 - 180.000 đồng/chai.
Sức mua bia giảm, doanh nghiệp đồng loạt tăng khuyến mãi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết nhu cầu đối với mặt hàng bia rượu hiện giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tết là mùa "ăn nên làm ra" với ngành bia rượu nên mức giảm như trên được xem là nhiều. Nhu cầu kênh sỉ đã vào cao điểm nhiều tuần qua, kênh lẻ cũng đã dần vào cao điểm Tết. Do đó dù mùa Tết còn dài nhưng hiện cũng đã đánh giá được phần nào sức mua", vị này nhận định.
Tương tự, một hệ thống siêu thị khác cũng cho biết sức mua đối với ngành hàng bia đang chậm, nhiều mặt hàng có thể giảm khoảng 10-20% so với năm ngoái.
Theo ghi nhận tại nhiều điểm bán lẻ, siêu thị ở TP.HCM, để kích thích sức mua, hàng loạt dòng bia được áp dụng giảm giá liên tục dịp này. Bia Sài Gòn giảm giá còn 64.000
đồng/lốc, bia Heineken từ 109.000 giảm còn 101.000 đồng/lốc, bia Budweiser từ 116.000 giảm còn 96.000 đồng/lốc, bia Sapporo từ 107.000 giảm còn 99.000 đồng/lốc...
Nhiều doanh nghiệp cho biết ngoài mức giảm giá sâu hơn, thời gian khuyến mãi đối với mặt hàng bia cũng được kéo dài hơn khá nhiều so với mùa Tết năm ngoái.
Ra mắt chuyên trang Tết
Tết đang đến gần, từ hôm nay 15-1, Tuổi Trẻ ra mắt chuyên trang Tết với đầy đủ thông tin và phân tích về muôn mặt của đời sống và thị trường Tết khắp mọi miền.
Bạn đọc có thể tham gia cộng tác qua email [email protected].
Tuổi Trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận