Khu vực quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam - Ảnh: M.TRÂN
Trong khi dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang được xem xét để có phương án tái khởi động vào năm 2035, nhiều hộ dân sống trong vùng dự án này thời gian qua gặp nhiều khó khăn do quy hoạch "treo", chờ địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án.
Khổ với quy hoạch "treo"
Ngày 16-7, trở lại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trên con đường xuyên qua làng với đầy ổ gà và ổ voi, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè, cũ kỹ do lâu ngày không được nâng cấp, tu sửa. Các ngõ hẻm vắng vẻ người qua lại.
Ông Trần Tuyên (thôn Vĩnh Trường) cho biết hằng ngày vẫn cầm vợt lội ra biển vớt lượm rong biển, sản vật sống từ biển để nuôi sống gia đình. Nhà cửa dột nát không được sửa, muốn bán đi nơi khác ở cũng không được vì vướng quy hoạch "treo".
"Khi dự án được cấp tập triển khai, gia đình tôi ủng hộ và mong về khu tái định cư kèm chính sách hỗ trợ đặc thù để an tâm sinh sống. Nhưng sáu năm sau dự án vẫn như vậy, cuộc sống gia đình càng khó khăn. 2 con tôi đủ tuổi lao động bỏ làng đi nơi khác làm thuê, chứ ở làng lấy gì sống" - ông Tuyên nói.
Đưa chúng tôi xem danh sách các hộ dân vay vốn ngân hàng, ông Nguyễn Thành Du - trưởng thôn Vĩnh Trường - cho biết khi nhận thông báo bồi thường, thu hồi đất vào năm 2016, nhiều hộ dân đã mang thông báo này thế chấp ngân hàng vay tiền làm ăn, trang trải cuộc sống, nhưng đến nay không thể trả nợ vay, do không được giải tỏa hay bồi thường sau khi dự án dừng triển khai.
"Mới đây tôi có nghe tỉnh có đề án chuyển vùng đất này sang phát triển du lịch, người dân ai nghe cũng đều mừng vì sắp thoát quy hoạch treo. Nay lại nghe sẽ tái khởi động dự án khiến người dân có phần lo lắng vì khả năng quy hoạch treo càng kéo dài thêm" - ông Du nói. Đồng thời cho biết người dân cần có một nơi ở ổn định, an tâm sản xuất, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quy hoạch..
Con đường chính xuyên qua thôn Vĩnh Trường, địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - Ảnh: MINH TRÂN
.Đề xuất chuyển sang làm... du lịch
Trao đổi với chúng tôi, ông Sử Đình Vinh - trưởng Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, nguyên là giám đốc Ban quản lý dự án di dân - tái định cư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (nay đã giải thể) - cho biết để triển khai dự án này, dự kiến có khoảng 1.061ha đất của 1.435 hộ dân phải thu hồi.
Trước khi dự án tạm dừng cuối năm 2016, có 6 tiểu dự án thành phần đang triển khai dang dở, như dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công nhà máy, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia... Đến nay một số tiểu dự án này đã thực hiện xong, như tiểu dự án di dân, tái định cư đã đền bù và thu hồi xong 21ha đất.
Riêng phương án bồi thường, thu hồi 78ha đất làm hai khu tái định cư và thu hồi đất của 1.435 hộ dân vùng dự án này chỉ mới thông báo chứ chưa thực hiện, nên vùng xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân người dân vẫn ở như trước đây.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết sau khi dừng thực hiện dự án vào cuối năm 2016, các hộ dân vẫn còn ở vùng quy hoạch cho đến nay vì chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực VN chưa bồi thường, địa phương cũng chưa thu hồi đất của các hộ dân.
Tuy nhiên, do đời sống người dân vùng dự án đang gặp nhiều khó khăn, địa phương đang đề xuất đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng dự án với các vùng khác, chuyển đổi mặt bằng quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân sang mục đích phát triển du lịch biển, du lịch vườn nho, năng lượng tái tạo...
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận gồm: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), với tổng công suất 4.000 MW, được Ninh Thuận đưa ra vận động sự ủng hộ của người dân tỉnh này từ năm 2005.
Đến năm 2009, dự án được Quốc hội thông qua và đến năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy. Dự án dự kiến được khởi công vào năm 2014, rồi thay đổi địa điểm vào năm 2015, trước khi Quốc hội ra nghị quyết dừng dự án từ tháng 11-2016 đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận