04/06/2018 19:43 GMT+7

Dân lên Hà Nội kiện không về, lãnh đạo tỉnh phải lên đối thoại, đưa về

T.CHUNG
T.CHUNG

TTO - Khi người dân địa phương tập trung khiếu nại đông người đến các cơ quan trung ương không chịu về, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố đó phải trực tiếp về Hà Nội đối thoại, đưa dân về địa phương giải quyết.

Dân lên Hà Nội kiện không về, lãnh đạo tỉnh phải lên đối thoại, đưa về - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tổ chức ngày 19-5 - Ảnh: VGP

Đó là một trong những giải pháp nhiệm vụ được nhấn mạnh trong kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tổ chức ngày 19-5 vừa qua.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã triệu tập lãnh đạo của 27 tỉnh, thành phố có khiếu kiện đông người, phức tạp đến cũng thảo luận với phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Trong kết luận vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, còn tồn đọng nhiều vụ việc đông người, kéo dài, chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết dứt điểm.

"Gần đây có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan Trung ương, và đến khu vực nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, khiếu kiện, gây áp lực giải quyết, căng khẩu hiệu, biểu ngữ trên đường phố, gây mất trật tự công cộng", kết luận dẫn nhận định của Thủ tướng.

Với hơn 70% khiếu kiện là liên quan đến đất đai, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức có thiếu sót, vi phạm, cụ thể trong các công tác quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Một nguyên nhân khác mà Thủ tướng nhấn mạnh là chủ tịch UBND địa phương chưa làm tốt việc đối thoại với dân, khoán trắng việc giải quyết khiếu nại của dân cho cơ quan thanh tra và cấp dưới.

Bên cạnh đó là tâm lý tránh né, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai, giải quyết lại khi phát hiện các khiếu nại kéo dài là do lỗi của người tiền nhiệm.

Do đó, ngoài các giải pháp về chính sách, pháp luật, Thủ tướng còn thẳng thắn yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương phải làm đúng trách nhiệm của mình: sâu sát, quyết liệt, trực tiếp đối thoại với người dân, giải quyết kịp thời vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự.

"Khi người dân địa phương tập trung khiếu nại đông người đến các cơ quan trung ương không chịu về, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố đó phải trực tiếp về Hà Nội đối thoại, đưa dân về địa phương giải quyết", kết luận nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, kết luận còn nêu quan điểm của Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích công dân khởi kiện các quyết định hành chính và các hành vi hành chính ra tòa. Khi đó, thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức bị khởi kiện phải nghiêm túc tham gia phiên tòa, cũng như tranh tụng và đối thoại.

Thủ tướng đưa ra yêu cầu đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân: "Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, tìm biện pháp để giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, có lý, có tình thì phải có biện pháp giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành".

Nếu người khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng:

TTO - Chủ trì hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng 19-5 tại Hà Nội, Thủ tướng nói: “Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng…”.

T.CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên