Từ con hẻm nhỏ chưa đầy 1,5m, hẻm 85 Rạch Bùng Binh (Q.3, TP.HCM) được người dân hiến đất mở rộng thoáng mát - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều quận ở TP.HCM hiện có rất nhiều hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo khiến việc cứu hỏa, cứu thương cũng như sinh hoạt người dân khó khăn. Có quận, huyện muốn vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm nhưng tài chính hạn hẹp, việc vận động được người dân đồng tình cũng gặp vô vàn khó khăn.
Phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến sau đây và mong bạn đọc có thêm đề xuất cho vấn đề rất được quan tâm này.
Bà Lê Thị Dung (phó Ban công tác Mặt trận khu phố 3, P.9, Q.3, TP.HCM): Đặt lợi ích dân lên hàng đầu mới làm được
Nhìn mấy con hẻm rộng được mở, người dân thoải mái ngồi chơi, sinh hoạt nhiều người nghĩ chuyện vận động dân dễ dàng lắm, nhưng có tham gia ròng rã hai năm vừa vận động vừa mở hẻm mới biết gian nan thế nào.
Sở dĩ một số nơi ở Q.3 làm thành công tại nhiều hẻm nhờ có sự đồng thuận cao từ việc lấy ý kiến từ đầu, nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để tìm kiếm giải pháp hài hòa quyền lợi. Trước hết là tại khu phố tự vận động, sau khi đa số người dân thống nhất mới chuyển ý kiến lên cho phường, quận.
Người dân ngay từ đầu hiểu được lợi ích khi mở hẻm thì dễ, gian nan nằm ở những hộ lấn cấn, lo lắng chuyện mở hẻm sẽ làm mất đất hoặc cân đo việc công bằng diện tích hiến giữa các hộ... Thành bại, nhanh chậm của mở hẻm phụ thuộc vào sự đồng thuận của các hộ này.
Chính quyền dành thời gian lắng nghe những hộ dân giãi bày khó khăn, nguyện vọng mới đưa ra được chính sách hỗ trợ hợp tình. Khi lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu, việc mở hẻm mới thành công được. Hiểu được trong lợi ích chung có lợi ích riêng, bà con dễ dàng đồng thuận. Chứ cứ thấy vận động khó khăn lại bỏ cuộc thì đừng mong mở một mét hẻm nào.
Theo tôi, muốn tìm kiếm sự đồng thuận phần còn lại phải dựa vào chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cơ sở. Chính đội ngũ này mới hiểu, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của từng người dân trong hẻm.
Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Không nên can thiệp mở rộng đại trà
Hẻm là một đặc trưng của phố thị Sài Gòn. Những con hẻm dài ngắn khác nhau, với đa dạng những sinh hoạt đời sống của người dân tạo nên nét riêng, hồn cốt phố thị. Bởi vậy, cần để cho những con hẻm có sự sắp xếp tự nhiên.
Không nên can thiệp mở rộng đại trà các hẻm, chỉ tập trung những hẻm chính, hẻm trục nối các tuyến đường với lưu lượng xe cộ qua lại đông, người dân sinh sống nhiều, khó khăn cứu hỏa, cứu thương.
Không nhất thiết phải mở toàn bộ hẻm làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Làm vậy vừa đảm bảo ngân sách nhà nước đủ lực, chính sách hiến đất mở hẻm cũng dễ dàng thực hiện hơn.
Phải nói rõ việc mở hẻm đáng lý ra là trách nhiệm của Nhà nước. Chính quyền phải coi trọng việc người dân sẵn sàng hiến từng "tấc vàng". Giá đất ở những quận trung tâm Sài Gòn đắt đỏ, người dân hiến đất cũng phải được bù đắp một phần.
Để người dân quá thiệt thòi lại khó được chấp nhận. Nhất là những hộ gia đình khó khăn, nhà cửa nhỏ hẹp phải thương thảo, giúp cho người dân cải thiện đời sống, thỏa đáng hơn.
Để nhân rộng việc hiến đất mở hẻm, TP có thể có quy định những chính sách bù đắp cho người dân hiến đất. Khi đó, người đi vận động cũng dễ tiếp cận, thương thảo hơn với người dân.
Ông Lê Minh Tuấn Anh (chủ tịch UBND P.4, Q.3): Khó nhất là tạo niềm tin cho dân
Trực tiếp tham gia tổ vận động người dân hiến đất ở cả hai phường, trước đây khi làm phó chủ tịch UBND P.12 và sau này ở P.4, tôi mới nhận ra mỗi con hẻm Sài Gòn có một đặc trưng riêng. Đặc trưng về cộng đồng dân cư, lối sống, sinh hoạt và cả cách họ đồng thuận.
Người đi vận động nếu tìm hiểu, nắm kỹ nét riêng đó sẽ dễ dàng làm người dân đồng thuận. Như hồi vận động một hẻm ở P.12, người dân sinh sống ở đây toàn là giáo dân. Tổ vận động đã trò chuyện với linh mục trước, sau đó nhờ tiếng nói của linh mục chuyển tải để người dân hiểu về lợi ích khi mở hẻm.
Người dân nhanh chóng đồng thuận, con hẻm mở rộng nhanh ngoài dự kiến. Nhiều khi chính quyền nói người dân không hiệu quả bằng.
Hay những con hẻm có các cô chú làm ở ban điều hành khu phố, tổ khu phố sinh sống, mình phải vận động để họ tiên phong hiến đất, hàng xóm xung quanh thấy vậy cũng một mực đồng lòng.
Nói thì dễ nhưng làm mới thấy khó. Không phải ai cũng hiểu, hẻm mở rộng sẽ đẩy giá đất tăng, việc cứu hỏa, cứu thương dễ dàng. Để vận động, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Khó nhất là tạo niềm tin, để người dân nghe và hiểu được những lợi ích từ việc mở hẻm, từ đó họ gác lại những toan tính thiệt hơn, đắn đo giữa hộ này với hộ kia.
Điều quan trọng cần nhớ là trong hẻm chật có người giàu, người nghèo, người nhà rộng nhưng cũng có hộ nhà chật hẹp. Khi vận động phải biết phân loại để đề xuất mức hỗ trợ thỏa đáng, linh hoạt cho từng hộ dân. Nhà dân nào quá nhỏ cũng phải nghĩ mọi cách giữ lại cho họ sinh sống.
Có khi ngân sách hạn hẹp phải vận động cả mạnh thường quân đóng góp tiền hỗ trợ cho người dân. Bởi vậy, khi đi vận động mở hẻm phải xác định trước tìm sự đồng thuận 100% không dễ, được 80% dân đồng tình đã lấy làm vui rồi.
Ông Châu Minh Hiếu (phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình): Cần học hỏi kinh nghiệm Q.3
Q.Tân Bình đã có quy hoạch lộ giới hẻm từ lâu nay, nếu thực hiện nhiều hẻm sẽ rộng rãi hơn hiện trạng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên để Nhà nước đứng ra đền bù, mở hẻm rất khó khăn.
Muốn mở rộng hẻm thông thoáng chỉ còn cách vận động người dân hiến đất cùng Nhà nước mở hẻm. Nhưng việc này lâu nay không thể triển khai vì hầu hết các hộ dân không đồng thuận, họ buộc phải đền bù khi thu hồi đất.
Trước đây, quận cũng có chủ trương mở rộng một số hẻm, quận cũng vận động nhưng sau đó dân đồng thuận không cao nên dừng hẳn đến giờ. Chỉ dừng lại ở việc nâng cấp, cải tạo theo hiện trạng hẻm.
Hiện giờ, nhiều hẻm ở Q.Tân Bình rất nhỏ, quận cũng muốn mở rộng nhưng phải chờ có kinh phí, nguồn lực mới có thể làm được. Một số phường ở Q.3 làm quá tốt khi vận động được người dân mở rộng hẻm. Việc này cần phải học hỏi, nhân rộng toàn TP.
Bà Võ Thị Trước (63 tuổi, hẻm 47 Nguyễn Hiền, P.4, Q.3): Song song vận động là trách nhiệm
Người dân hẻm 47 cắt nhà hiến đất mở hẻm đã nửa năm, chính sách chung người dân ở đây đồng tình ủng hộ, không phàn nàn gì.
Người dân trong hẻm nhỏ đa số là dân nghèo, cuộc sống khó khăn. Khi vận động người dân hiến đất mở hẻm, các chính sách hỗ trợ phải làm kịp thời, người dân đồng thuận thì chính quyền cũng phải thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân. Song song với vận động là trách nhiệm.
Thêm một vấn đề tôi thấy bất cập là khi mở rộng hẻm có làm lại cống lớn và các công trình ngầm hóa. Người dân vui mừng nhưng cũng gánh thêm một số khoản chi phí đường ống nước từ nhà ra cống. Số tiền không lớn nhưng lẽ ra Nhà nước nên hỗ trợ cho người dân, thay vì để người dân đóng. Người dân đã nhường đất, Nhà nước cần hỗ trợ tối đa cho người dân.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm (trưởng Phòng cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM): Hẻm rộng sẽ tạo điều kiện để chữa cháy
Thành phố hiện có nhiều hẻm hẹp sâu, xe chữa cháy không thể nào tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn trong hẻm. Chữa cháy nhà dân ở những con hẻm này là những ca khó nhất với lính cứu hỏa.
Để chữa cháy, anh em phải tìm đủ phương án, vật lộn với đủ thứ vật cản khi tiếp cận điểm cháy. Lửa cháy lan, cháy lớn, người dân khó thoát nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn. Hậu quả để lại của những vụ cháy trong hẻm chật thường nặng nề hơn.
Mở rộng hẻm, bố trí trụ nước, máy bơm trong hẻm là một trong những giải pháp quan trọng để PCCC. Theo quy chuẩn, đường hẻm đủ cho xe chữa cháy vào phải rộng 3,5m, cao 9,25m và phải có bãi quay đầu xe ở cuối đường.
Nếu áp vào các quận ở trung tâm, hầu như không đủ chuẩn. Bởi vậy, hẻm mở rộng thông thoáng sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc chữa cháy, vừa tạo điều kiện khi có hỏa hoạn người dân di chuyển tài sản. Hẻm mở rộng cũng tạo khoảng cách chống đám cháy lan trên diện rộng.
Ông Lê Văn Nguơn sẵn sàng hiến phần đất rộng chừng 12m2 của nhà đang sử dụng để mở hẻm 57 Nguyễn Thông, Q.3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận