Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý Chính phủ chuẩn bị kỹ một số vấn đề tồn tại, hạn chế để giải trình cho nhân dân thấu hiểu - Ảnh: Quochoi.vn
Trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 15-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo lồng ghép đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
"Trong bức tranh chung, xu thế tích cực là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và kết quả tích cực đã đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", bộ trưởng Dũng nói .
Các chỉ tiêu đều đạt
Chính phủ đánh giá nền kinh tế Việt Nam thời gian qua cơ bản gặp nhiều thuận lợi, năm 2018 dự báo hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. GDP có thể tăng trưởng cao hơn mức 6,7% (năm 2017 là 6,81%), bội chi ước đạt 3,67, thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng (tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017).
Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát (liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%), nợ công giảm (còn khoảng 61,4% GDP năm 2018), xuất nhập khẩu tăng mạnh, ước đạt 475 tỉ USD (năm 2017 là 425 tỉ USD). Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước còn khoảng 5,2-5,7%, (giảm khoảng 1-1,5% so với cuối năm 2017).
Nói về những tồn tại, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhìn chung còn chậm; việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ; tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70%), xuất khẩu nông sản chưa thực sự bền vững..."
"Trong bức tranh chung, xu thể tích cực là chủ đạo" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Đánh giá cao kết quả đạt được và nỗ lực của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chuẩn bị thêm các báo cáo chuyên đề, có chiều sâu để giải trình tại phiên thảo luận tới đây của Quốc hội.
"Có một xu thế khi thảo luận là các đại biểu không tập trung khen những thành tích, những gì làm được, mà sẽ phân tích, nêu những tồn tại, hạn chế, những việc chưa làm được để làm tốt hơn. Nếu ra Quốc hội mà chỉ ca ngợi thành tích thì người dân cũng không chịu", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý Chính phủ làm rõ một số vấn đề như tại sao năng suất lao động năm nay thấp hơn năm trước? Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với khu vực đang đứng ở chỗ nào, bền vững ra sao?
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì lưu ý Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chỉ ra cơ hội cần nắm bắt, thách thức, tác động xấu cần tránh.
Kết quả đạt được thì cơ bản là mừng, các cân đối vĩ mô đều giữ ổn định. Nhưng những rủi ro, cảnh báo cũng không thể coi thường. Nguy cơ lạm phát quay trở lại cũng không thể xem thường, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng trở lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Dự án giao thông: làm thì lâu, xuống cấp thì nhanh
Góp ý cho báo cáo của Chính phủ, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề chất lượng các công trình hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông, điển hình là cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi được đầu tư 34.500 tỉ đồng vừa thông xe đã xuống cấp.
"Cử tri đặt câu hỏi tại sao các dự án giao thông làm thì lâu mà xuống cấp thì nhanh. Đề nghị làm rõ trách nhiệm, không thể để tình trạng như vừa qua ban quản lý dự án trên trả lời rằng đường xuống cấp là do… mưa to", chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ.
Bà Nga cũng quan ngại việc đặt các nhà máy thép, xi măng, nhiệt điệt cạnh bờ biển, gây rủi ro cho môi trường; tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, gần đây nhất là vụ việc bé gái 14 tuổi bị xâm hại tình dục ở tỉnh Thái Bình, trong đó có một nghi can là phó phòng công an tỉnh.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thì nêu vấn đề cử tri bức xúc lâu nay là người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh "né" tiếp công dân theo luật định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo rõ chất lượng các dự án giao thông - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội đổi mới, thành viên Chính phủ "lo sốt vó"
Phát biểu tại phiên họp, phó thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn Quốc hội, nhận định rằng Quốc hội đổi mới hoạt động cũng tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Ví dụ, về xây dựng pháp luật, nếu trước đây bộ trưởng thường giao cho thứ trưởng và chuyên viên giúp việc, thì giai đoạn vừa qua bộ trưởng phải xắn tay vào làm trực tiếp, rà soát trực tiếp bởi nếu làm không tốt thì bị phê bình.
"Mỗi lần Quốc hội tiến hành chất vấn thì anh em chúng tôi - thành viên Chính phủ cũng lo sốt vó, đặc biệt là các nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn đã ghi rất rõ việc, rất rõ trách nhiệm, nên phải nỗ lực thực hiện", phó thủ tướng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận