Giếng nước nhà bà Lê Thị Kim Chi đang bị nhiễm xăng, dầu nặng - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Hàng ngày, các hộ dân trong ấp phải bỏ tiền chạy đôn chạy đáo đi mua nước đóng thùng. Nhưng cũng có những người do không có nguồn nước nào thay thế mà bất chấp cảnh báo, vẫn cố dùng nguồn nước bị ô nhiễm.
Nước bốc cháy ngùn ngụt
Ô nhiễm nặng nhất là giếng đào của gia đình bà Lê Thị Kim Chi. Bà Chi lấy nước lên và “thí nghiệm” ngay cho phóng viên xem. Mùi xăng cũng xộc lên nồng nặc từ miệng giếng. Nước lấy lên có nhiều váng nổi, châm lửa đốt là bốc cháy ngùn ngụt, khói bay nghi ngút.
Lửa cháy hết, váng xăng, dầu đọng lại thành những sủi bọt có màu vàng ố. Mấy lần “thí nghiệm” đều cho kết quả giống nhau.
Bà Chi nói giếng nhà bà đã có cách đây gần 30 năm, lúc đầu sử dụng nước rất trong. “Khoảng từ một năm trước, nước bắt đầu ngả vàng, bốc mùi xăng nhưng gia đình vẫn cố xài do không còn cách nào khác. Hiện tượng này mỗi lúc một nặng hơn. Đến chừng cách đây một tháng, tôi múc lên và thử châm lửa thấy nước cháy dữ dội quá mới ngưng dùng, đậy nắp cho đến nay” - bà Chi thở dài.
Kế nhà bà Chi, gia đình ông Nguyễn Văn Pháp cũng có ba giếng khoan bị ô nhiễm. Nhưng ông may hơn là nước mới ô nhiễm nhẹ nên hiện vẫn có thể bơm để tưới tiêu và tắm giặt hằng ngày. Đây là nguồn nước duy nhất mà gia đình đã dùng mấy chục năm nay, có thế nào họ vẫn phải dùng tiếp.
“Trước kia nhà tôi dùng để uống, bây giờ do hôi mùi xăng quá nên ngừng uống nhưng vẫn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày” - ông Pháp lắc đầu ngao ngán.
Để khắc phục, bà Chi đã khoan giếng mới. Nhưng khoan sâu tận 30m nước vẫn nhiễm phèn, có mùi hôi khó chịu. Bà phải bỏ tiền mua nước đóng thùng để uống, còn trong các sinh hoạt khác thì lọc tạm nước khoan mà dùng.
Mọi sinh hoạt trong nhà bị xáo trộn, bà Chi quá bức xúc mà kêu cứu khắp nơi.
Lửa bốc cháy ngùn ngụt trong chậu nước mà bà Chi múc lên từ giếng nhà mình - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Nước từ trong giếng nhà bà Chi múc lên, có màu vàng ố, và nhiếu váng xăng, dầu nổi trên mặt - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Chưa xác định nguồn gây ô nhiễm
Theo ông Nguyễn Văn Hướng - chủ tịch UBND xã Phú Sơn, hiện nay trên địa bàn ấp Phú Lâm 1 có 9 hộ bị ô nhiễm nguồn nước như miêu tả ở trên.
Ông Hướng cho biết hiện tượng này đã được người dân trình báo cách đây hơn một tháng, nhưng do cán bộ không có chuyên môn xác định, xã chỉ có thể ghi nhận và báo cáo lại cho Phòng Tài nguyên - môi trường và UBND huyện Tân Phú.
Ông Hướng thừa nhận giếng khoan là nguồn nước duy nhất của hàng trăm hộ đang dân sinh sống quanh khu vực phát hiện ô nhiễm.
Người dân cho rằng chính trạm xăng cách đó khoảng 100m là nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Hướng cho biết chủ doanh nghiệp xăng dầu này đã tự động đến khắc phục cho 2 hộ dân bằng cách múc váng xăng, dầu lên và hỗ trợ kinh phí. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân ô nhiễm là do họ gây ra.
“Địa bàn xã Phú Sơn có hai trạm xăng. Khi vụ việc xảy ra, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đến xem nhưng phủ nhận nguyên nhân do đơn vị mình gây ra. Họ bảo đã kiểm tra rất kỹ xung quanh bồn chứa xăng dầu nhưng không phát hiện điều gì bất thường", ông Hướng nói.
"Chúng tôi cũng không thể quy kết cho họ mà phải chờ các cơ quan chuyên môn khác”.
Sau khi cháy, nước trong giếng bà Chi sủi bọt - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Ông Nguyễn Văn Nghị - phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú - cho biết đã kiến nghị Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai kiểm tra nguyên nhân, tìm hướng khắc phục, tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm và nguy cơ cháy nổ. Còn đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai cho biết đã nhận được mẫu nước từ phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú gửi và đang tiến hành phân tích, xác minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận