Tức giận vì binh sĩ Israel ăn mừng tại Dải Gaza
Tại Indonesia có phong trào #JulidFiSabilillah đánh cắp thông tin cá nhân và bắt nạt trên mạng, nhắm vào quân nhân thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và một số nhóm được cho là theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Theo truyền thông địa phương, tài khoản mạng xã hội và số điện thoại dùng cho WhatsApp của binh sĩ Israel bị phát tán rộng rãi trên mạng, tạo điều kiện cho cư dân mạng tại Indonesia và Malaysia, nơi có nhiều người theo đạo Hồi, tấn công các tài khoản này bằng nhiều bình luận, tin nhắn hay cuộc gọi.
Nhiều binh sĩ Israel đã phải khóa bình luận trên mạng xã hội Instagram, một số khác chịu mất tài khoản.
Với danh tính là Erlangga Greschinov, một người Indonesia đã bắt đầu phong trào #JulidFiSabilillah khi người này lần đầu tiên vào ngày 16-11 chia sẻ thông tin tài khoản mạng xã hội của nhiều binh sĩ thuộc IDF.
Người này trả lời Đài CNA qua điện thoại rằng mình cảm thấy phải hành động khi nhìn thấy hình ảnh binh lính Israel ăn mừng tại Dải Gaza trên Instagram.
"Họ ăn mừng giữa đống đổ nát ở thành phố Gaza. Tôi đã tự hỏi tại sao họ không cảm thấy thương tiếc cho sự tàn bạo mà họ đã gây ra?", người này nói.
"Đó là lý do tôi đăng bài lên X (Twitter) và hỏi cách để đối phó với những binh sĩ này. Nhiều người đã quyết định tham gia cùng tôi", Erlangga nói thêm.
Theo Erlangga, phong trào này nhằm tấn công các mô tả tiêu cực về người Palestine do truyền thông và binh sĩ Israel lan truyền.
Hoan nghênh sự tham gia
Erlangga cho biết phong trào này có rất nhiều chiến lược, bao gồm việc giành được lòng tin của binh sĩ Israel nhằm lấy thông tin cá nhân và gieo rắc bất hòa giữa lực lượng Israel qua những thông tin sai lệch.
Một số cư dân mạng Malaysia đã tham gia phong trào, nhưng Erlangga cho biết trọng tâm hiện tại là huy động và điều phối sự tham gia của cư dân mạng Indonesia.
"Tôi không nói được tiếng Malaysia và tất cả các thông báo của tôi đều bằng tiếng Indonesia… Phải mất rất nhiều thời gian (cho việc dịch thuật), nhưng nếu có người từ bất kỳ quốc gia nào khác muốn tham gia cùng chúng tôi, tôi hoan nghênh họ", Đài CNA dẫn lời Erlangga.
Khi được hỏi về khả năng đối mặt với các vấn đề pháp lý trong tương lai, Erlangga cho rằng Indonesia hiện không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.
"Người Israel cảm thấy bị đe dọa bởi phong trào có thể đến gặp chúng tôi và thử tiến hành một yêu cầu pháp lý ở đây. Chúng tôi chào đón họ", Erlangga nói.
Trong khi đó tại Singapore, luật pháp nước này cấm các cuộc biểu tình liên quan đến xung đột Israel - Hamas. Vì vậy người Singapore thường tranh luận về vấn đề này trên không gian mạng.
Trước đó vào ngày 18-10, lực lượng cảnh sát Singapore cho biết các sự kiện và tụ tập công cộng liên quan đến xung đột Israel - Hamas sẽ không được phép tổ chức, do lo ngại an toàn và an ninh công cộng trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận