Phóng to |
Ông Nguyễn Chấn - Ảnh: H.Điệp |
Đó là những chuyến di chuyển mà theo lời đại tá Nguyễn Chấn, nguyên phó chính ủy trung đoàn 165, thuộc sư đoàn 312, là: “Khó khăn hơn cả việc kéo pháo ra, kéo pháo vào”.
Dù đã bước sang tuổi 95 và trải qua cả ba cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới nhưng ông Nguyễn Chấn vẫn nhớ rất rõ về những ngày lịch sử hào hùng của Điện Biên Phủ. Ông nói:
- Giặc Pháp đầu hàng ngày 7-5, ngày 8-5 chúng tôi tiếp nhận hầm của tướng De Castries. Ngày 9-5 nhận lệnh giải hàng binh về Tuyên Quang để bàn giao. Đánh Pháp gian khổ, nhưng nhiệm vụ di chuyển hàng binh cũng vất vả không kém.
* Khi đó không có xe để chở những hàng binh, vậy ông cùng những đồng đội của mình làm thế nào để di chuyển được hàng ngàn người lính của quân đội Pháp về Tuyên Quang?
- Lúc ấy tất cả đều phải đi bộ, chúng tôi cũng vậy. Đối với quân đội hay dân công, người dân Việt Nam thì đi bộ không có gì khó khăn bởi ai cũng quen với sự gian khổ ấy, nhưng quân đội Pháp thì không, nhất là khi họ vừa thua trận.
Việc đi bộ để di chuyển cả ngàn người diễn ra rất chậm chạp. Chúng tôi không chỉ lo đưa họ đi, lo cái ăn, cái ngủ cho họ mà còn chăm sóc sức khỏe ốm đau. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta rất khó khăn thì không thể nào lo chu toàn tất cả, nhưng ít nhất chúng tôi đã cố gắng trong mọi khả năng của mình. Thậm chí về khẩu phần ăn, họ được lo chu đáo hơn người lính chúng tôi.
* Đi bộ cả quãng đường dài hơn 400km, các ông làm thế nào để đảm bảo không xảy ra những sự cố đáng tiếc?
- Chúng tôi không đi cả đoàn cả ngàn người mà chia thành những tốp nhỏ. Mỗi tốp khởi hành cách nhau một vài ngày. Không chỉ quân đội tham gia dẫn giải hàng binh đâu, chúng tôi phải nhờ nhiều vào người dân địa phương. Họ làm lán trại, trạm dừng chân dọc đường, đóng góp lương thực thực phẩm cho đoàn. Do không phù hợp với thức ăn nên nhiều lính Pháp bị bệnh dọc đường, chúng tôi phải chăm sóc cho họ. Có hàng binh vốn là người chỉ huy trong quân đội Pháp, không quen việc tự mang tư trang, họ để cho người lính trong đơn vị của mình mang giúp. Chúng tôi phải yêu cầu họ tự mang lấy đồ dùng của mình.
* Việc chăm sóc sức khỏe cho những hàng binh được thực hiện ra sao?
- Mình có quân y đi theo. Người nào không đi nổi thì để lại ở lán trại nghỉ ngơi, chờ hôm sau đoàn khác đến thì nhập đoàn.
* Có ai trốn chạy không, thưa ông?
- Có. Thường những đoạn nào qua suối là họ tìm cách bỏ trốn. Họ nghĩ rất đơn giản là suối đổ ra sông, sông đổ ra biển, nếu họ men theo suối thì sẽ ra được đến đại dương và thoát khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn những người này đều tự trở lại hoặc bị bắt, bởi không phải ai cũng đủ kỹ năng để vượt qua những đoạn suối sâu, thác xoáy nguy hiểm. Hơn nữa, những người bỏ trốn thường vào bản làng để tìm cái ăn, bị bà con phát hiện và báo chính quyền.
* Theo ông, chúng ta đã đối xử tốt với hàng binh Pháp?
- Lúc ấy chúng tôi có rất ít người giao tiếp được với những hàng binh Pháp, giao tiếp với nhau thường chỉ bằng cách ra hiệu. Cả quãng đường dài như vậy, chúng tôi cũng đi bộ như họ và cũng đi chân không như họ. Tôi khẳng định rằng họ được đối xử tốt nhất với mức có thể. Gọi là dẫn giải họ đi, chứ thật ra chúng tôi chỉ như người dẫn đường, ngoài chuyện này ra thì mọi thứ như nhau hết, từ ăn, ngủ đến đi lại. Chỉ có điều họ không quen chịu khổ như người Việt khi phải đi hàng trăm cây số, ai cũng mất tinh thần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận