Có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức khi để xảy ra cháy nổ? - đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi - Ảnh: Quochoi.vn
Hôm nay 13-11, Quốc hội thảo luận cả ngày, giám sát tối cao về công tác phòng chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
"Làm nhiều nhưng đọng lại ít"
Phát biểu thảo luận, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân dẫn ví dụ: Ngày 27-6, nông dân Nguyễn Thị Hảo, 36 tuổi, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đốt cỏ làm cháy lan sang khu rừng, gây thiệt hại 7ha, sau đó bị TAND huyện tuyên phạt 2 năm tù.
Ngày 28-6, một nông dân khác là Phan Đình Thành, 46 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cũng đốt rác trong vườn làm cháy lan rừng phòng hộ, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam…
"Những vụ việc như vậy khiến chúng ta rất đau lòng", bà Xuân nói về thói quen đốt rẫy làm nương của người dân, cho rằng họ không cố tình gây cháy, chỉ là họ không đủ kiến thức về phòng cháy chữa cháy nên vi phạm pháp luật.
"Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc như vậy nếu công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân", bà Xuân nêu.
Bà đồng tình với nhận định trong báo cáo giám sát: "Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, làm nhiều nhưng đọng lại ít. Mới chỉ tập trung tuyên truyền ở các địa bàn thành phố, thị trấn, còn những địa bàn ở xa thì chưa thực sự được quan tâm. Thậm chí có nơi còn 'bỏ trống địa bàn', người dân ít được tuyên truyền, hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó".
Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, đặc biệt là cho chính quyền các cấp, là: Trong bối cảnh chúng ta còn chưa đủ nguồn lực, còn thiếu kinh phí cho hoạt động này, vậy mà khi tổ chức thực hiện vẫn mang tính hình thức, đối phó, làm cho có thì làm sao đạt được hiệu quả như mong muốn?
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nêu quan điểm: "Phải tránh tình trạng cháy rồi mới rút kinh nghiệm. Đặc biệt phải khắc phục được nguyên nhân đầu tiên là công tác tuyên truyền chưa đảm bảo yêu cầu nên không bao phủ được các địa bàn, không đến được nhiều đối tượng, không làm chuyển biến được nhận thức của người dân".
Cho rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả cháy còn cao là do bất cẩn, thiếu kiến thức, đại biểu Hiền đề nghị đưa công tác PCCC vào trường học.
Có cán bộ nào bị kỷ luật, mất chức chưa?
Tiếp tục đề cập nguyên nhân chủ quan, đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng một vấn đề rất quan trọng là đảm bảo thực thi pháp luật PCCC hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.
Báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ rõ: Hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Đại biểu Cao Thị Xuân phát biểu sáng 13-11 - Nguồn: THQH
"Vậy tại sao có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?", bà Xuân lên tiếng.
Ông Nguyễn Thanh Hiền cũng bình luận "những con số nêu trên là báo động", đề nghị thanh tra, kiểm tra xử lý dứt điểm, kiên quyết đình chỉ các dự án cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC, công khai danh sách các đơn vị vi phạm pháp luật về PCCC.
Đại biểu Xuân nhắc lại vụ cháy tại quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội cách đây 3 năm hậu quả rất thương tâm. Thời điểm ấy báo chí, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về thực hiện pháp luật PCCC ở những quán karaoke bị bịt kín, không lối thoát, nằm giữa các khu đông dân cư nhưng vẫn tự ý hoạt động, kinh doanh.
TP Hà Nội có hàng ngàn quán karaoke như vậy. Tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ…
"Có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép, trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các loại hình dịch vụ này?", nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng hơn 100 chung cư, nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC là đáng báo động - Ảnh: Quochoi.vn
Theo bà Xuân, báo cáo giám sát cho thấy hàng ngàn vụ cháy đã xảy ra, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhiều hecta rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, nguyên nhân chủ quan trong các vụ việc này rất lớn, "nhưng đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác PCCC?".
"Chúng tôi cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi hỏa hoạn xảy ra", đại biểu Xuân khẳng định.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là công tác xử lý trách nhiệm thiếu nghiêm minh khi để xảy ra các vụ cháy nổ. "Hãy ngừng văn hóa đổ lỗi, hãy nhận trách nhiệm và xử lý trách nhiệm", bà Mai Hoa kêu gọi.
"Nhiều địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về PCCC; có địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh không xử lý vi phạm hành chính dẫn đến hồ sơ phải chuyển lên theo ngành dọc để tiến hành xử phạt".
- Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác phòng chữa cháy giai đoạn 2014-2018
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận