Rác thải dày đặc trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn gần cầu Bùi Hữu Nghĩa |
Hằng ngày, khắp các kênh rạch trong TP.HCM phải nhận không biết bao nhiêu loại rác. Chỉ tính riêng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mỗi ngày lượng rác vớt được 7 - 13 tấn/ngày (tùy ngày), trở thành một trong những dòng kênh chứa rác nhiều trên địa bàn TP.HCM.
Phải phạt người vi phạm thật nặng
Hầu hết bạn đọc đều cho rằng pháp luật chưa nghiêm cộng với ý thức người dân kém. Phạt thật nặng ắt sẽ dẹp được nạn vất rác xuống kênh.
Nhiều ý kiến đề xuất phải có một đội đi bắt rồi đưa ra tòa xử phạt tiền và 2 ngày đi làm công ích xã hội cho đi lượm rác nếu vi phạm lần đầu, vi phạm lần 2, 3 thì phạt nặng hơn.
"Ý thức một bộ phận người dân mình quá kém! Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, câu cá trên kênh, sông, rạch... Cũng như cần quy định xử phạt nghiêm minh các đối tượng không chấp hành!" - một bạn đọc góp ý.
Các bạn đọc còn cho rằng nếu ai vi phạm cũng bị phạt và mức phạt tăng lên theo số lần vi phạm thì chẳng còn mấy ai dám phạm luật.
Phạt kèm lao động công ích
Bạn đọc trăn trở đề nghị các cơ quan chức năng phải kiên quyết phạt những người xả rác xuống kênh bằng hình thức bắt họ đi vớt rác, dọn vệ sinh, gom rác..... cùng các công nhân.
Cách phạt hành chính, bắt đi lao động công ích như quét rác, vớt rác trên kênh cũng là hình thức răn đe rất hiệu quả, nhiều nước đã và đang làm như vậy.
"Nên giao các đoạn kênh thuộc khu vực tổ phường nào, tổ phường đó quản lý. Đoàn kiểm tra môi trường do các phường thành lập và kiểm tra chéo. Nếu thấy rác bẩn sẽ xử phạt nặng tổ phường khu vực đó.
Còn người dân ở tại khu vực này xả rác xuống kênh sẽ bị phạt tiền và phải xuống vớt sạch rác lên. Các tổ phường cũng nên thành lập đội tự quản, hằng tuần tập trung thu gom rác nơi mình quản lý, không nên có suy nghĩ đóng tiền thì không phải làm.
Thật buồn khi mọi người hiện nay sống chỉ nghĩ cho riêng mình, nhà mình thì sạch còn ngoài đường thì mặc kệ” - bạn đọc Trung Trực chia sẻ.
Phạt người vi phạm qua camera
Rác ken đặc trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn gần cầu Bùi Hữu Nghĩa. Tình trạng này xuất hiện ở khắp các kênh rạch Sài Gòn - Ảnh: Hữu Khoa |
Ở những điểm “nóng” thì bí mật gắn camera theo dõi, “bắt nguội” người xả rác xuống kênh và những người câu cá là một trong những biện pháp được nhiều bạn đọc ủng hộ.
Có biện pháp xử lý mạnh, kiên quyết những trường hợp vi phạm. Bắt quả tang người nào thì xử lý người đó thật nặng, rồi người vứt rác thì buộc phải đi vớt rác lên, ai câu cá thì tịch thu cá, cần câu.
Đặc biệt, nên gắn camera để bắt quả tang: lần đầu phạt hành chính chủ hộ, chủ hộ và người đổ rác bẩn buộc phải lao động công ích 30 ngày dọn nguyên con kênh Nhiệu Lộc, cơm nước tự lo. Lần tái phạm sẽ nhân 3 hình phạt, còn nếu là hộ kinh doanh thì rút giấy phép kinh doanh.
Tố giác người vi phạm qua ảnh
"Sao mình không tạo ra một cuộc thi chụp ảnh những khoảnh khắc xả rác nhỉ? Rồi khi up lên các trang báo trang mạng, họ sẽ cảm thấy xấu hổ mà không làm nữa. Chứ còn phạt tiền thì giảm không đáng kể, chi bằng dùng sức mạnh của ngôn luận" - các bạn đọc đề nghị.
Nhiều ủng hộ xoay quanh phạt người xả rác bị chụp hình bằng cách bắt đi xuống ghe vớt rác 1 tuần, rồi đưa lên báo cho bà con biết để mà học văn minh lên, sau vài tháng rác sẽ hết sạch.
Chế tài mạnh nhất và mang tính khả thi nhất là hình thức phạt tiền kèm với hình thức phạt lao động khắc phục hậu quả nhằm tăng cường ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, môi trường.
Đi đôi với cấm và phạt cần tạo điều kiện cho người dân không vi phạm. Mang rác vứt lén như vậy vì họ "bí" quá không có chỗ nào vứt rác "miễn phí" tiện lợi hơn. Cần cung cấp thật nhiều thùng rác công cộng thật lớn có đèn chiếu sáng dọc theo kênh Nhiêu Lộc và ở mọi nơi trong thành phố.
Rác vứt bừa bãi ven bờ, khi có gió hay mưa là trôi xuống kênh để rồi hôm sau công nhân lại vất vả đi vớt |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận