Tranh thủ thời gian rảnh, Phú đi chạy bàn thêm để kiếm tiền đi học - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Phú (Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên, An Giang) buồn vui lẫn lộn.
Vui vì đậu được đại học đúng nghề yêu thích, buồn vì em không biết liệu mình có đủ sức để theo tiếp việc học hành.
Biến cố cuộc đời
Lớn lên trên vùng đất Campuchia, tuổi thơ của Nguyễn Phú khá êm đềm với cha là kiến trúc sư xây dựng, mẹ là con một gia đình thương buôn.
Tuy nhiên, mọi thứ đảo lộn khi mẹ em qua đời vì ung thư năm 2012, ít lâu sau cha em cũng mất vì tai biến mạch máu não. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, hai anh em Phú rơi vào cảnh mồ côi không nơi nương tựa rồi trôi dạt về An Giang sinh sống cùng bà ngoại.
"Thương tụi em phận đời côi cút, các cô chú ở địa phương dựng tạm một cái chòi nho nhỏ bằng cây và lá để có chỗ che mưa, che nắng cho hai anh em", Phú nhớ lại.
Tranh thủ thời gian rảnh, Phú đi chạy bàn thêm để kiếm tiền đi học - Ảnh: CHÍ CÔNG
Không còn cha mẹ, Phú học cách tự lập. Ban ngày, sau khi tan học, Phú tranh thủ về nhà đi giăng lưới, cắm câu, bán vé số, chạy bàn… kiếm từng đồng tiền lời. Có lúc em kiếm được vài ba chục ngàn đồng/ngày, nhưng lắm hôm chẳng có đồng nào. Đêm về, mệt lả, em chỉ vội ôn bài đối phó cho qua.
"Việc học của em dần sa sút hẳn. Lúc đó, em chỉ lo cái ăn, còn chuyện học em rất ít quan tâm", Phú ngậm ngùi kể. "Biết em xuống tinh thần, thầy cô trong trường và cô bác xung quanh giúp đỡ và động viên em cố gắng học để sau này kiếm cái nghề nuôi thân. Em nghĩ lại thấy mọi người nói đúng nên tập trung học và đậu vào Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu".
Đắn đo con đường đại học
Sau khi đậu vào Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên, An Giang), Phú càng thấm thía cảnh đời mồ côi. Xa quê, không có tiền, em thường xuyên ôm bụng đói đi học. Tuy nhiên, Phú không cho phép bản thân gục ngã.
"Khi em chuyển lên TP Long Xuyên để tiện đi học, các cô chú mạnh thường quân hỗ trợ em 800.000 đồng/tháng. Em đóng tiền trọ mất 700.000 đồng/tháng, số còn lại em để dành mua dụng cụ học tập", Phú nhớ lại.
Phú kể thời điểm đó, cuộc sống của hai anh em vô vàn khó khăn. Anh trai Phú đậu vào trường đại học nhưng không học mà chọn cao đẳng để sớm ra trường, kiếm việc làm lo cho Phú. Bản thân Phú cũng tự tìm công việc làm thêm để trang trải.
"Hai anh em Phú mồ côi nhưng chúng đùm bọc nhau, đặc biệt Phú có ý tự lực vươn lên lắm. Học xong Phú lại đi giữ quán cà phê kiếm tiền xoay xở. Thương cảm, tôi có bảo Phú phụ tiếp quán rồi ở lại luôn để cháu yên tâm lo học vì tương lai của Phú còn dài", bà Nguyễn Thị Thu ở phường Bình Khánh, TP Long Xuyên cho hay.
Ngày nhận tin đậu đại học, Phú rất vui nhưng "em khóc và buồn vì không có tiền đóng học phí". May mắn thay, lúc em tính từ bỏ đại học thì có một mạnh thường quân kịp thời gửi cho em 8 triệu để đóng học phí năm đầu.
Được "tiếp sức", Phú tự nhủ mình sẽ cố gắng tiếp tục đến trường. Nhưng hiện Phú chỉ đi bằng niềm tin và hi vọng. Hành trang vào đại học của em lúc này chẳng có gì ngoài một ít tiền lẻ, chiếc vali nhỏ với vài bộ quần áo cùng ước mơ "phải học đại học" của em và người mẹ đã mất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận