Tiểu thương chợ Thành Công căng băngrôn yêu cầu không chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại - Ảnh: Việt Dũng |
Sáng 16-10, sau một đêm phản đối việc xây dựng chợ Thành Công thành chợ - trung tâm thương mại (TTTM) Thành Công, nhiều tiểu thương tiếp tục bày tỏ bức xúc trước việc UBND quận Ba Đình chưa lần nào họp nghe ý kiến người dân.
Hôm qua, chợ Thành Công vẫn tấp nập người bán kẻ mua, nhưng mỗi khi thưa khách là từng nhóm tiểu thương lại to nhỏ về chủ trương xây mới chợ gắn với TTTM.
Tiểu thương chưa được góp ý
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, chủ quầy kinh doanh giò chả, cho biết lâu nay bà con có nghe về chủ trương cải tạo, xây mới chợ Thành Công.
“Không ai phản đối việc cải tạo chợ, nhưng phải nói rõ đây là chợ truyền thống, trong chợ có tới 500 tiểu thương kinh doanh đủ các mặt hàng từ thực phẩm, tạp hóa, rau quả... Nếu có cải tạo thì bà con chỉ đề nghị giữ nguyên chợ truyền thống, không nên chuyển thành TTTM” - bà Loan nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phượng - chủ sạp hàng kinh doanh đồ khô, sở dĩ các hộ tiểu thương phản đối việc chủ đầu tư đưa máy móc vào khoan thăm dò địa chất trong chợ là vì bà con chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc xây dựng lại chợ, phương án xây chợ mới.
“Đến giờ, ban quản lý chợ mới chỉ nói miệng với người dân về chủ trương xây dựng chợ Thành Công thành chợ - TTTM. Bà con kinh doanh trong chợ cũng chưa được tham dự bất cứ cuộc họp nào về các phương án xây lại chợ. Vậy mà phía UBND quận đã duyệt xây dựng chợ Thành Công theo mô hình chợ gắn với TTTM. Có hỏi cả chợ cũng không ai được góp tiếng nói nào. Cũng không có đơn vị nào nói kỹ về phương án xây lại chợ ra sao, vậy mà đã định ngày chuyển các hộ kinh doanh ra chợ tạm. Theo tôi biết, nhiều chỗ chuyển đổi chợ truyền thống sang chợ - TTTM nhưng hoạt động không hiệu quả. Cho nên nguyện vọng của tiểu thương muốn giữ nguyên chợ truyền thống” - bà Phượng kể.
Xây chợ truyền thống hiệu quả hơn
Đó là ý kiến của bà Đặng Thị Bích Hằng, trưởng ban quản lý chợ Thành Công. Bà Hằng cho biết kế hoạch cải tạo chợ Thành Công có từ năm 2008.
“Đề bài UBND quận Ba Đình đặt ra mời thầu và đấu thầu có tên dự án là chợ - TTTM Thành Công. Đến năm 2012, UBND quận Ba Đình mới phê duyệt cho liên danh Decotech - T&M VN trúng thầu, làm chủ đầu tư dự án” - bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, sau khi có ý kiến của UBND quận Ba Đình về việc cho đơn vị khoan thăm dò địa chất tại chợ, ban quản lý chợ có tổ chức họp dân để thông tin về việc này nhưng người dân phản đối.
“Thật ra ban quản lý chợ chỉ họp để tuyên truyền với các hộ tiểu thương về chủ trương cải tạo chợ. Còn việc khoan thăm dò mới chỉ là phục vụ thiết kế quy mô chợ, chúng tôi chưa có văn bản, phương án cụ thể nào trong tay, cũng chưa có phương án di dời các hộ kinh doanh ra chợ tạm nên không dám công bố gì tới người dân” - bà Hằng nói.
Bà Hằng còn cho biết trong những lần được dự họp góp ý sơ bộ vào phương án xây dựng chợ - TTTM, ban đầu dự định xây dựng chín tầng, hiện dự kiến chỉ còn 5-6 tầng, nhưng đây mới là thông tin sơ bộ, chưa được phê duyệt chính thức.
Bà Hằng thừa nhận lâu nay ban quản lý chợ chỉ ghi nhận được nguyện vọng của bà con muốn cải tạo chợ, xây dựng lại chợ theo đúng chợ truyền thống, chứ không muốn xây dựng TTTM. “Ai cũng biết các chợ truyền thống chuyển đổi sang chợ - TTTM thì chợ hoạt động kém hiệu quả, nên bà con rất tâm tư” - bà Hằng cho hay.
Từ nguyện vọng của người dân, bà Hằng khẳng định: “Qua kinh nghiệm quản lý, với điều kiện xã hội bây giờ, chợ dân sinh, chợ truyền thống là cần hơn và có hiệu quả cao hơn TTTM”.
Chiều qua, PV Tuổi Trẻ có liên hệ với ông Đỗ Viết Bình - chủ tịch UBND quận Ba Đình - để trao đổi về các nội dung xung quanh việc chợ - TTTM Thành Công, nhưng ông Bình chỉ nói: “Tóm lại là không có chuyện gì đâu, chúng tôi sẽ có báo cáo thành phố sau”.
Khảo sát địa chất xong mới lên phương án thiết kế Trước phản ứng từ phía các hộ tiểu thương chợ Thành Công, ông Nguyễn Việt Hà, đại diện liên danh Decotech - T&M VN (nhà đầu tư dự án chợ - TTTM Thành Công), cho biết việc đưa máy khoan vào chợ mấy ngày qua chỉ là khoan khảo sát địa chất, không phải là khoan thi công. Theo ông Hà, trước khi khoan khảo sát địa chất cũng có thông báo tới những hộ kinh doanh có sạp hàng tại vị trí khoan thăm dò, đồng thời có hỗ trợ về kinh tế vì quá trình khoan làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh. “Khi khoan địa chất xong mới lập phương án thiết kế, mới tính được kết cấu và quy mô dự án, lúc đó mới có thể nói được dự án có bao nhiêu tầng” - ông Hà nói. Trả lời câu hỏi trong triển khai dự án sao không lấy ý kiến người dân, ông Hà cho hay sau bước khoan khảo sát, lập phương án thiết kế xong, lúc đó sẽ công bố cụ thể về dự án để lấy ý kiến của người dân. Về tiến độ dự án, ông Hà cho rằng phải xong bước khảo sát địa chất, lập được phương án thiết kế mới đưa ra được tiến độ triển khai. Hiện việc khảo sát địa chất đang tạm dừng nên chưa thể nói cụ thể về tiến độ ra sao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận