Khói bốc lên sau khi nhà máy lọc dầu ở Abqaiq của Công ty Aramco bị tấn công bằng drone cài thuốc nổ - Ảnh: Reuters
Bất kể ngay sau đó, các phiến quân Houthi ở Yemen lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công, Washington một mực khẳng định chính quyền Iran đứng sau vụ việc.
Trong loạt tweet tối 15-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump khẳng định "đạn đã lên nòng và chỉ còn tùy vào chuyện xác minh sự thật". Washington sẽ chờ nghe thêm thông tin từ chính quyền Riyadh để cân nhắc cách xử lý vấn đề.
Đấu khẩu và đổ lỗi
"Khẩu khí" của ông Trump đã có "mùi thuốc súng" và ông ám chỉ rõ ràng về một phản ứng quân sự với Iran nếu cần thiết.
Cũng trong ngày 15-9, bày tỏ quan điểm trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thẳng thừng buộc tội Iran: "Tehran đứng sau gần 100 vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia trong khi ông (tổng thống) Rouhani và ông (ngoại trưởng) Zarif giả vờ tham gia giải pháp ngoại giao.
Giữa tất cả những kêu gọi giảm căng thẳng, Iran vừa triển khai loạt tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng của thế giới. Không có chứng cứ cho thấy loạt tấn công đến từ Yemen".
Đài CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia đã bị tấn công từ phía tây bắc, có nghĩa nó phải xuất phát từ Iran hay Iraq.
"Đó là Iran. Phiến quân Houthi đang thừa cơ lấy danh tiếng từ những gì họ không làm", vị quan chức cấp cao này nói.
Chính quyền Tehran phản đối mọi cáo buộc. Ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi lên tiếng phủ nhận việc Tehran đứng sau vụ tấn công.
Đáp trả ông Mike Pompeo, cũng trên Twitter, ông Javad Zarif - ngoại trưởng Iran - chỉ trích: "Sau khi thất bại với "sức ép tối đa", ông Pompeo chuyển sang "dối trá tối đa"".
"Mỹ và các khách hàng của họ đang bế tắc tại Yemen vì ảo tưởng việc nắm được vũ khí mạnh hơn sẽ có được chiến thắng quân sự. Đổ lỗi cho Iran không giúp chấm dứt thảm họa" - ông Zarif nói.
Phát biểu trên Đài Press TV của Iran, Tổng thống Rouhani cũng cáo buộc Mỹ đã "hỗ trợ UAE và Saudi Arabia, chuyển giao vũ khí và cung cấp thông tin tình báo".
Sụt giảm 5% nguồn cung dầu toàn cầu
Theo báo Financial Times (FT), Saudi Arabia cung cấp hơn 10% lượng dầu thô toàn cầu và cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Nhà máy lọc dầu ở Abqaiq bị các máy bay không người lái tấn công ngày 14-9 vừa qua là nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới với khoảng 1 triệu thùng dầu thô được khai thác mỗi ngày.
Việc sụt giảm sản lượng khai thác hơn 5 triệu thùng dầu mỗi ngày sau vụ tấn công cũng tương đương với 5% nguồn cung dầu mỏ toàn thế giới.
Mặc dù một số quan chức trong chính quyền Saudi Arabia khẳng định nước này sẽ nỗ lực để khôi phục năng lực khai thác như cũ, song theo các nguồn tin của báo FT ngày 16-9, việc này nếu nhanh cũng phải mất vài tuần.
Nguồn tin của FT cho rằng với vị thế mặc nhiên là quốc gia dẫn dắt OPEC, Saudi Arabia đang cân nhắc khả năng có nên đề nghị các nước OPEC khác tạm thời tăng sản lượng để bình ổn thị trường cho tới khi năng lực lọc dầu của họ trở lại như cũ hay không.
Giá dầu thế giới có lúc tăng tới gần 20% sau vụ tấn công vào lúc cao điểm trong ngày 16-9. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ năm 1991 khi nổ ra chiến tranh vùng Vịnh.
Cùng với giá dầu, các chỉ số chứng khoán lớn cũng chao đảo. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones futures giảm 0,37%, chỉ số S&P 500 futures giảm 0,65 và Nasdaq Composite futures giảm 0,62% trong ngày 15-9.
Vũ khí hủy diệt thời công nghệ
Việc tấn công bằng máy bay không người lái cũng đang nổi lên như một nguy cơ lớn của thời công nghệ. Bởi sức hủy diệt của loại vũ khí này rất lớn, trong khi chi phí bỏ ra lại không nhiều.
Theo một chuyên gia trao đổi với tờ New York Times, những chiếc drone vừa được dùng tấn công có giá 15.000 USD/chiếc.
Phản ứng các nước
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16-9 cho rằng việc đổ lỗi cho bất cứ ai gây ra vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia mà không có bằng chứng xác đáng là vô trách nhiệm. Tương tự, trong một tuyên bố được phát đi chiều
16-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi các nước không nên hấp tấp quy trách nhiệm hoặc có các động thái làm leo thang thêm tình hình căng thẳng.
Trong khi đó, bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và ngoại giao của Liên minh châu Âu - cảnh báo các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào 2 cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia làm dấy lên nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực.
Một số nước đã bắt đầu tính đến chuyện tìm nguồn cung dầu mới. Hàn Quốc ngày 16-9 cho biết sẽ xem xét sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược nếu hoạt động nhập khẩu "vàng đen" của nước này gặp khó khăn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã yêu cầu mở kho dự trữ dầu chiến lược sau vụ tấn công ở Saudi Arabia.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận