Thiếu tướng Ngô Huy Phát bị đạn pháo bắn hư bàn tay trong những ngày vệ thành 1946 - Ảnh: Q.V. |
“70 năm đã trôi qua, chúng tôi vẫn không thể quên được tháng ngày nóng bỏng ấy. Dân tộc đắm chìm trong lầm than vừa được một khoảnh khắc hòa bình, lại phải chuẩn bị chiến tranh. Chúng ta không muốn đổ máu, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi” - giáo sư sử học Văn Tạo xúc động nhắc lại Ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Sài Gòn, 0g ngày 23-9-1945. Đội quân Pháp từng bại trận trong Thế chiến thứ hai được sự yểm trợ toàn diện của liên quân Anh - Ấn bắt đầu tái chiếm Sài Gòn, nhằm tiếp tục đặt ách xâm lược Đông Dương.
Ngay sáng cùng ngày lịch sử này, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu ra lời hiệu triệu: “Đồng bào Nam bộ! Nhân dân thành phố Sài Gòn! Anh em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ! Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa”.
Sự trở lại của đạo quân thực dân
Trong khi đó, tại Hà Nội:
“Tình hình lúc ấy vô cùng sục sôi, không khí chiến tranh nóng lên từng ngày. Chúng tôi theo dõi báo đài, thấy Chính phủ mình và Pháp có hàng loạt cuộc gặp gỡ cấp cao, đàm phán, ký kết các hiệp định tại Hà Nội, Đà Lạt, Fontainebleau, mà thực tế quân đội Pháp cứ ngày càng siết chặt vòng vây, khiêu khích, đàn áp trắng trợn chúng ta.
Chúng tôi được tuyên truyền phải tuân thủ kỷ luật, gìn giữ hòa khí, tránh rơi vào bẫy khiêu khích nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào”- hồi tưởng năm 1946 nóng bỏng, thiếu tướng Ngô Huy Phát kể quân Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng ngày nào cũng sử dụng thiết xa chạy rầm rập trên đường phố, súng đại liên nạp sẵn đạn, giương thẳng nòng.
Còn lính lê dương thì đi tuần, hết bắt nạt người dân lại gây gổ, đòi tước súng Vệ quốc đoàn, thanh niên tự vệ thành...
Có mặt tại Hà Nội ngay thời điểm dầu sôi lửa bỏng này trong phong trào thanh niên miền Nam yểm trợ miền Bắc, ông Trần Văn Dõi, con trai cố tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương, kể: “Quân Pháp gây sự từng giờ, từng ngày, không coi người Việt ra gì hết”.
Sự chịu đựng đã tới hạn. Trước vụ thảm sát Hàng Bún và rất nhiều nơi khác ở Hà Nội, quân Pháp đã liên tiếp sử dụng hỏa lực áp đảo tấn công dữ dội và thảm sát hàng loạt ở Hải Phòng, Lạng Sơn.
Sang ngày 18-12, Pháp tiếp tục nã súng bừa bãi ở chợ Đồng Xuân, phố Hàng Khoai, bao vây trụ sở công an Hàng Đậu, chiếm Nha Tài chính, trụ sở Bộ Giao thông và đòi tước vũ khí Vệ quốc đoàn...
Không khí chiến tranh vô cùng ngột ngạt. Trên các tường phố xuất hiện nhiều dòng chữ đỏ: “Thà chết không làm nô lệ”, “Thà chết vinh hơn sống nhục”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
2g ngày 19-12-1946, trong cuộc họp của Bộ Tổng chỉ huy ở Thái Hà ấp, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp công bố tình hình khẩn cấp: “Chúng đưa tối hậu thư bắt ta nộp vũ khí, giao quyền trị an cho chúng... Tất nhiên, chúng ta không thể để như vậy được”.
Những ngày nóng bỏng
Nhiều năm đã trôi qua nhưng ông Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304, vẫn không thể quên thời khắc trước giờ nổ súng.
Từng xông pha nhiều chiến dịch, Việt Bắc và cả Điện Biên Phủ, ông vẫn ấn tượng sâu đậm với cuộc chiến thủ đô 60 ngày đêm đã được ví như “Stalingrad Hà Nội”.
“Đúng 20g ngày 19-12-1946, lưới điện Hà Nội bị cắt. Toàn thành phố chìm trong đêm đen. Ánh sáng mạnh nhất chỉ là những chớp lóe trên đầu súng của lính lê dương đang tấn công dồn dập vào trụ sở liên lạc Việt - Pháp, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Nhà máy nước Yên Phụ...
Trong lúc đó, các trận địa pháo của quân Việt Nam ở pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh cũng dồn dập khạc đạn về hướng các doanh trại Pháp”.
Ngay trước giờ chiến đấu, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã truyền mệnh lệnh chiến đấu kiên cường xuống từng đơn vị: “Tổ quốc lâm nguy. Giờ chiến đấu đã đến.
Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân, dân quân, tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy. Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước...”.
Mệnh lệnh Bộ Quốc phòng vừa truyền đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ra lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc.
Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”.
Lửa chiến tranh lan rộng ở Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước từ đêm 19-12-1946. Ở mặt trận thủ đô, ông Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng đối đầu với tướng Morlière.
Với 62 xe tăng, thiết giáp chuyển quân cùng 19 máy bay ở Gia Lâm, kế hoạch tác chiến của tướng Morlière là bao vây Hà Nội, khống chế chặt các cửa ngõ, vị trí trọng yếu và cơ động lực lượng được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh để chia cắt, tiêu diệt các vị trí bố phòng Việt Nam.
Ông Hoàng Giáp nói: “Nhằm bẻ gãy tinh thần kháng chiến, ngay trước giờ nổ súng, tướng Pháp Morlière đã bắn tin quân đội mẫu quốc thừa sức làm cỏ Việt Minh, chiếm lại Hà Nội chỉ trong 24 giờ, nhưng thực tế chiến trường khác hẳn lời lẽ huênh hoang này”.
Dưới quyền chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ và Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, lực lượng kháng chiến chính quy chỉ có năm tiểu đoàn với khoảng 2.500 người ở mặt trận Hà Nội. Số lượng vũ khí rất thiếu thốn, nhiều tổ chiến đấu phải dùng chung một khẩu súng.
Tuy nhiên, ngay giờ đầu nổ súng, quân viễn chinh đã phải chịu nhiều thương vong. Điều trớ trêu là chiếc thiết giáp chở ủy viên Cộng hòa Pháp (thống sứ) Sainterny trên đường chạy về trú ẩn ở sở chỉ huy tướng Morlière lại lãnh ngay những trái lựu đạn đầu tiên của quân kháng chiến. Sainterny, nhân vật quan trọng nhất của Pháp ở Bắc kỳ, bị thương nặng.
Trên giường cấp cứu, Sainterny đọc cho trợ lý gửi điện khẩn về Pháp, trong đó có nội dung như sau: ”Cuộc kháng chiến của Việt Minh - kiên trì và dẻo dai hơn nhiều mức độ dự kiến của chúng ta. Chúng ta không phóng đại nếu chúng ta nói đến một tinh thần cuồng nhiệt thật sự ở mọi tầng lớp chiến sĩ Việt Minh”.
Điều này đúng như nhận định của tướng Ngô Huy Phát: Quân đội chính quy Việt Nam lúc ấy còn rất thiếu thốn, nhưng lại có một lực lượng khác vô cùng hùng mạnh. Đó là toàn dân sẵn sàng hi sinh để vệ quốc.
Châu chấu đá xe Trung tướng Vương Thừa Vũ kể: “1.500 súng trường (trong đó một nửa là súng khai hậu và súng bắn chim, một nửa gồm đủ loại súng trường Nhật, Mỹ, Mútxcơtông...). Trung, đại liên có bốn khẩu, bom ba càng 80 quả, lựu đạn 1.000 quả, đạn các loại 2 vạn viên, badôca 1 khẩu, étxăng crếp 200 chai, 7 pháo cao xạ 75 li cũ của Pháp ta dùng làm pháo mặt đất để bắn gián tiếp và 1 sơn pháo 75 li, 1 pháo 25 li... Ngoài số súng nói trên, phần lớn các đơn vị bộ đội chủ lực đều trang bị dao găm, mã tấu, giáo mác, kiếm và các loại vũ khí cũ. Nếu tính trung bình thì hai người mới có 1 khẩu súng trường, mỗi chiến sĩ chỉ có 8 viên đạn, 5 chiến sĩ mới có 2 quả lựu đạn, 600 chiến sĩ mới có một khẩu súng máy... Xét về mặt quân số và trang bị, rõ ràng lúc ấy bộ đội tập trung còn rất yếu. Nếu so sánh với Pháp thì binh lực của chúng hơn ta gấp ba lần. Vũ khí bộ binh của chúng không những tối tân hơn, tốt hơn, mà còn nhiều hơn ta gấp 9 lần, pháo binh gấp 6 lần. Còn xe tăng và máy bay thì Pháp hoàn toàn chiếm ưu thế tuyệt đối, ta chưa có gì”. |
_________________________
Kỳ tới: Bỏ bút để cầm súng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận