Một đàn cừu được xua đến ăn cỏ tại khu vực thành phố La Mã cổ đại Pompeii với nhiệm vụ hỗ trợ các nhà khoa học bảo vệ di tích này.
Pompeii là thành phố La Mã đã hứng chịu đợt phun trào thảm khốc của núi lửa Vesuvius vào năm 79 Công nguyên, khiến cả thành phố bị hủy diệt. Hiện tàn tích của đô thị này hiện nằm ở vùng Campania, Ý.
Dù việc khảo cổ đã được bắt đầu từ 250 năm trước, hiện các nhà khoa học chỉ mới khám phá được phần diện tích gần bằng 2/3 trên tổng diện tích 66ha của Pompeii.
Việc bảo quản phần chưa được khai quật của thành phố này tránh khỏi các tác động của thiên nhiên và thời gian là một trong những ưu tiên của phía quản lý di tích.
“Sẽ là vấn đề nếu để cỏ và các loại cây mọc trên các bức tường và nhà cổ. Chúng tôi đang cố gắng cho một cách tiếp cận bền vững với môi trường, tránh việc sử dụng các chất diệt cỏ, và cũng tránh cả việc cỏ cây mọc làm hư hại đến các di tích”, Hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Gabriel Zuchtriegel, giám đốc Công viên khảo cổ Pompeii.
Từ đó, một sáng kiến thân thiện nhất với thiên nhiên đã được đưa ra: sử dụng cừu để “diệt” cỏ.
Một đàn cừu 150 con được đưa tới Regio V, khu vực phía bắc của Pompeii, để làm nhiệm vụ “gặm” cây cỏ mọc um tùm xen lẫn với các tàn tích là những ngôi nhà và hàng quán cổ đã không còn nguyên vẹn.
Theo ông Zuchtriegel, sáng kiến nuôi cừu vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp bảo tồn cảnh quan. "Đây thực sự là một dự án bền vững và rất có ích trong việc bảo tồn các tàn tích", ông Zuchtriegel nói.
“Việc này cũng giúp hình dung lại quang cảnh ở Pompeii khi mới được phát hiện ra. Ở đây có gỗ, có vườn nho, có cừu, là một cảnh quan rất nông thôn mà bạn có thể cảm nhận được Pompeii ở đó”, ông nói thêm.
Regio V là khu vực tham quan hạn chế đối với hàng triệu lượt khách du lịch đổ về Pompeii hằng năm. Gần đây, khu vực này đã được tiến hành các đợt khảo cổ mới.
Năm 2018, các nhà khảo cổ đã có một số phát hiện tại khu vực, bao gồm nhiều bức tranh sặc sỡ, nhiều cửa hàng cổ và xương còn sót lại của những người đã qua đời trong đợt phun trào hủy diệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận