TTCT - Từ đỉnh cao xuống vực sâu là cách nói quá phổ biến, nhưng người lao động của các hãng công nghệ lại rời “thung lũng” để lên núi cao. Ảnh: Getty ImagesTheo báo Wall Street Journal, việc các công ty công nghệ, gồm các tên tuổi lớn như Facebook, Twitter và Stripe, cho phép nhân viên làm việc ở bất cứ đâu thay vì đến công ty do dịch COVID-19 đã dẫn đến một làn sóng người lao động trong ngành này chuyển khỏi Thung lũng Silicon ở phía nam vùng vịnh San Francisco (Bay Area) để đến sống tại các khu vực miền núi ở bờ tây nước Mỹ, nơi họ đã “tăm tia” trước đó như Boise (thủ phủ bang Idaho) và Park City (bang Utah).Sự “di cư” này một mặt mang đến sự sôi động, thịnh vượng cho các thị tứ mới, song cùng với đó là các vấn đề như chênh lệch tiền lương ngày càng lớn, giá bất động sản tăng mạnh, và cả “những chuyện tích cực và tiêu cực gắn liền với một trong những công việc ăn lương cao nhất nước Mỹ”, theo Wall Street Journal.Xét về các thay đổi tích cực, sự có mặt của những “cư dân Thung lũng Silicon” tại các thành phố khác cũng giúp tạo lập một văn hóa công nghệ và mạng lưới những người làm trong ngành, góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh ở các địa phương đó. Chẳng hạn, Jon Jessup, nhà sáng lập công ty phần mềm Cloud Conversion ở Park City, cho biết hiện nay cứ dắt con ra công viên chơi là thể nào cũng gặp một vài dân công nghệ mới chuyển đến từ San Francisco. Những cư dân mới cũng là nguồn phấn khởi cho nhiều nhà hàng, cửa hàng xe đạp, công ty xây dựng ở Park City.Tuy nhiên, theo Les Craig - từ quỹ đầu tư Next Frontier Capital, “những người mới đến” sẽ ảnh hưởng mặt bằng tiền lương ở các thị trấn này, nơi đã tồn tại sẵn chênh lệch về thu nhập từ 20.000-30.000 USD giữa người làm trong lĩnh vực công nghệ so với các ngành khác. “Nếu người không phải người địa phương kiếm nhiều hơn cả mức đó, vấn đề chênh lệch này sẽ càng trầm trọng thêm” - Craig cảnh báo.Mặt trái của việc dân công nghệ đổ đến các thành phố khác là giá bất động sản tăng. Tại thành phố Bozeman (bang Montana) với dân số chỉ 50.000 người, giá nhà trung vị đã tăng lên 515.000 USD so với mức 432.500 USD chỉ một năm trước, và lượng nhà có thể cung ứng đang giảm nhanh, theo hiệp hội bất động sản địa phương. Amy Alvarado, nhân viên môi giới hãng bất động sản Engel & Völkers AG, cho biết khoảng 95% khách hàng của cô từ khi đại dịch xảy ra đến từ Bay Area, nhiều người trả hoàn toàn tiền mặt.Tiffany Fox, phó chủ tịch công ty bất động sản Summit Sotheby’s International Realty, mô tả mỗi cuối tuần ở thị trấn giờ đây giống như ngày Quốc khánh Mỹ, nhưng có người vui thì cũng có người không thích. Thị trường bất động sản ở Park City đã thu được 1,49 tỉ USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, song người địa phương liên tục lên trang Facebook của cộng đồng để than phiền về những xáo trộn do người mới tới gây ra.Ở chiều ngược lại, đại dịch và các chính sách “làm việc khắp mọi nơi” đã khiến những người đang làm trong các công ty “tỉnh lẻ” hăng hái đầu quân cho các công ty công nghệ lớn, bởi giờ họ có thể ngồi nhà làm việc cho các hãng ở Thung lũng Silicon mà không phải chịu mức sống đắt đỏ ở thung lũng công nghệ.Công ty Clearwater Analytics (trụ sở ở Boise) cho biết rất nhiều người trong số 1.200 nhân viên của hãng xin nghỉ để chuyển sang các công ty lớn, trả tiền cao hơn mà không bắt họ phải rời quê lên phố. Cindy Blendu, giám đốc nhân sự của Clearwater, cho biết xu hướng chảy máu chất xám này có thể sẽ tiếp diễn và chính thức trở thành một thách thức cho công ty.Trong khi đó, chính quyền thành phố Las Vegas đã chạy một chiến dịch để khuyến khích dân công nghệ bỏ thung lũng mà về với “thành phố tội lỗi”, với “mồi dụ” là “mỗi năm có hơn 300 ngày nắng đẹp, không có thuế thu nhập cấp bang và giá nhà phải chăng”, theo kênh ABC7 News.Ryan Smith, giám đốc phát triển kinh doanh của Sở Kinh tế và phát triển đô thị Los Angeles, cho biết thành phố thực sự muốn thu hút các kỹ sư công nghệ, từ đó kỳ vọng “sẽ đến lượt các công ty công nghệ lớn và khác biệt” sẽ chuyển trụ sở đến đây. Sự xuất hiện của dân công nghệ cũng sẽ đa dạng hóa nền kinh tế ở thành phố, vốn đa số là người làm trong ngành giải trí và đánh bạc.Tuy nhiên, Ahmed Banafa, chuyên gia an ninh mạng và giáo sư Đại học San Jose, cho rằng xu hướng rời bỏ Thung lũng Silicon sẽ không bền lâu. “Ta không thể thay thế Thung lũng Silicon nguyên bản. Chấm hết” - Banafa nói với ABC7 News. Banafa tin rằng sức sáng tạo ở Bay Area là đủ để giữ chân giới kỹ sư. “Cứ mỗi 10 năm lại có cái mới xảy ra và làm nóng lại sự hứng thú với Thung lũng Silicon. Ta sẽ có hết thử thách này đến thử thách khác, nhưng Thung lũng Silicon là Thung lũng Silicon, và nó sẽ mãi như thế” - ông nói.■ Tags: COVID-19Thung lũng SiliconSilicon Valley
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Hà Nội dừng trình diễn drone mang theo pháo hỏa thuật trong đêm giao thừa PHẠM TUẤN 28/01/2025 Phần trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" bị dừng để đảm bảo sự thành công của chương trình.