
Cận cảnh loài cò nhạn (cò ốc) đang bay về cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa (Gia Lai) - Ảnh: H.T.
Ngày 21-4, ông Võ Tấn Công - bí thư Đảng ủy xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa, Gia Lai) - đã ký công văn gửi UBND xã và các ngành, đoàn thể địa phương đề nghị bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm đang di cư về địa phương.
Trước đó theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, chính quyền xã Ia Mrơn phát hiện đàn cò ốc (còn gọi cò nhạn) hàng trăm con đang di cư về cánh đồng trên địa bàn xã.
Đây là loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Trước tình hình trên, Đảng ủy xã Ia Mrơn đề nghị UBND xã và các ngành, đoàn thể xã, các chi bộ trực thuộc triển khai lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò.
Thông báo cho người dân cấm săn bắt động vật quý hiếm, tránh hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng thời giao Mặt trận, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ đàn cò; tuyên truyền các chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.
Đảng ủy xã Ia Mrơn yêu cầu các chi bộ trực thuộc quán triệt đảng viên chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về bảo vệ động vật quý hiếm có trong sách đỏ.
Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc bảo vệ động vật quý hiếm. Không săn bắt dưới mọi hình thức và việc săn bắt vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự.

Đàn cò nhạn hàng trăm con bay trên bầu trời huyện Ia Pa, Gia Lai - Ảnh: H.T.
Cò nhạn hay cò ốc (danh pháp khoa học: Anastomus oscitans) là một loài chim thuộc họ hạc. Cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, loài cò nhạn chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. Cò nhạn thường gặp ở Cà Mau (Cái Nước, Đầm Dơi và rừng tràm U Minh).
Tại miền Bắc, cò nhạn xuất hiện tại vùng cửa biển Hải Phòng. Loài này sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa...
Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Mỗi con trưởng thành có trọng lượng 1 - 1,2kg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận