Phóng to |
Thoạt nhìn, Hi Lạp và Mỹ là hai trường hợp khác nhau. Những người biểu tình ở Hi Lạp (và cả ở châu Âu) tập trung vào phản đối chính phủ, trong khi những người biểu tình ở Phố Wall lại tập trung phản đối các tập đoàn tài chính. Đất nước Hi Lạp của Thủ tướng Papandreou rơi vào khủng hoảng là do sự bất lực của một nhà nước nợ nần chồng chất, còn nước Mỹ của Tổng thống Barack Obama lại đang trở thành nạn nhân của thị trường tài chính vốn đang chi phối và đẩy kinh tế Mỹ đến bên bờ sụp đổ. Có thể nói một cách khái quát Hi Lạp là sự phá sản của nhà nước, còn Mỹ là sự phá sản của thị trường.
Báo El Pais của Tây Ban Nha cho rằng giữa Hi Lạp và Mỹ có điểm giống nhau hơn là người ta nghĩ. Theo báo này, Athens và Washington đều là cái nôi của dân chủ: Hi Lạp đã khai sinh nền dân chủ trực tiếp, còn Mỹ là nền dân chủ đại diện. Lý tưởng dân chủ này giờ đang bị thách thức khi lợi ích công, tức của đa số, đang bị hi sinh.
Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ đầu tiên đã suy thoái thành một trào lưu dân túy, mị dân và không khả thi. Do vậy, không gì ngạc nhiên khi suy nghĩ trước cái kết thúc bi thảm của nhà triết học Socrates thời cổ đại Hi Lạp đã bị buộc phải uống thuốc độc tự sát, các nhà lập quốc Hoa Kỳ lại đã không muốn nói đến dân chủ mà thích mô tả hệ thống chính trị của nước mình như một “nhà nước đại diện”. Nói cách khác, đó là một chế độ chính trị mà ở đó thay vì giao cho người dân tự cai trị, người ta giao cho họ quyền bầu cử và bãi nhiệm đối với những người cai trị mình theo nhiệm kỳ.
Cho dù còn những hạn chế, song mô hình nhà nước này đã là một thành công và là một bước tiến lớn, bởi dù sao các nhà nước đại diện và nền kinh tế thị trường ở phương Tây cũng đã cho ra đời những xã hội cởi mở, tôn trọng các quyền tự do của người dân và sự đa dạng.
Thách thức đã nảy sinh khi nền dân chủ đại diện mất đi cái cốt lõi của nó là không còn đại diện cho các nhu cầu và lợi ích của đông đảo người dân.
Nhà nước này đã rơi vào hai tình huống. Một là các đảng phái đã biến hệ thống chính trị thành vật sở hữu riêng được điều hành bởi một tầng lớp chính trị khép kín trước tính công khai và lợi ích của các tầng lớp khác. Hai là thị trường. Một khi khống chế được quyền lực chính trị để quyền lực này phục vụ lợi ích của riêng mình, bản thân thị trường trở thành một siêu quyền lực. Kết quả là lợi ích công vốn là nguyên tắc hướng dẫn cho các chính sách chung của nhà nước bị đẩy xuống hàng thứ yếu, còn nghĩa vụ giải trình vốn là cơ chế kiểm tra giám sát của người dân lại bị tê liệt, không hoạt động. Bởi vậy, dù các nước dân chủ phát triển về số lượng, song chất lượng dân chủ lại suy giảm và còn xa mới có thể đáp ứng được nhu cầu và khát vọng của đông đảo người dân.
Khi nền kinh tế tăng trưởng, các vấn đề về tái phân phối dễ giải quyết hơn, sự căng thẳng nội tại giữa tính hiệu quả và tính đại diện của nhà nước cũng dễ giải quyết hơn nhờ vào tính hiệu quả hơn là tính đại diện của nhà nước. Nhưng khi kinh tế khủng hoảng, các hệ thống chính trị phương Tây đều lộ rõ sự bất lực trong điều hành kinh tế, tính đại diện bị hi sinh, sự lệ thuộc vào quyền lực của thị trường.
Báo El Pais kết luận khi viết: “Nền dân chủ của Hi Lạp đã thất bại, còn nền dân chủ đại diện sẽ rơi vào khủng hoảng nội tại cực kỳ nghiêm trọng nếu như nó không giải quyết được cuộc khủng hoảng về tính đại diện và điều hành thị trường một cách hiệu quả theo hướng phục vụ lợi ích chung. Từ Athens đến Phố Wall, lý tưởng dân chủ của phương Tây đang bị thử thách”.
“Chiếm lấy Phố Wall” tròn 1 tháng Ngày 17-10, tròn một tháng tuổi, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall “đã nhận được tài trợ hơn 300.000 USD qua trang web và tiền mặt, đặt trong tài khoản của “ngân hàng duy nhất tại Mỹ 100% thuộc sở hữu nghiệp đoàn” Amalgamated Bank. AP cho biết những người biểu tình cũng nhận hàng trăm thùng hàng hỗ trợ mỗi ngày bao gồm các vật dụng từ mền, gối, thực phẩm đóng hộp đến các túi y tế, vệ sinh. Reuters dẫn lời giới phân tích lo ngại sự bất bình của “Chúng tôi là 99%” có thể trở thành một mùa đông giận dữ vào cuối năm nay. Một số khác thậm chí cho biết bất ổn xã hội có thể kéo dài nhiều năm khi mà tại nhiều nước, thế hệ trẻ ngày càng mất niềm tin vào các chính phủ và giới tài chính. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận