Bà Hillary công bố quyết định ra tranh cử bằng đoạn video đăng tải trên Twitter - Ảnh: Reuters |
Hồi năm 2007, bà Hillary cũng thông báo tranh cử qua một đoạn video. Lần đó, rất nhiều người đã chỉ trích bà thể hiện cái tôi quá lớn, quá hào nhoáng mà xa cách với người dân.
Thuận lợi bước đầu
Lần này, bà chỉ xuất hiện trên đoạn video hơn hai phút với phong thái khiêm tốn và bình dị. Trước đó là cảnh những người Mỹ bình dân thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, giới tính... nói về các thách thức và cơ hội của họ.
Bà khẳng định một thông điệp đậm chất dân túy: “Tôi sẽ tranh cử tổng thống. Người dân Mỹ cần một người bảo vệ quyền lợi cho mình. Tôi muốn trở thành người đó”.
Video công bố quyết định ra tranh cử của bà Hillary lập tức gây một cơn sốt trên các trang mạng xã hội.
Tính đến cuối ngày 12-4 (giờ Mỹ), tin nhắn của bà trên trang Twitter nhận được gần 90.000 phản hồi, video của bà được hơn 1 triệu lượt người xem trên YouTube và trang Facebook của bà đã có 500.000 lượt “thích”.
Nhiều chính khách trên thế giới cũng đã nhanh chóng đáp lời ca ngợi quyết định của bà Hillary.
“Thông điệp của bà ấy rất ít cái tôi và nhiều cái chúng ta. Đó là điểm hết sức thông minh” - Reuters dẫn lời chuyên gia Marissa Gluck thuộc Hãng tiếp thị Huge.
Trên trang Vox, nhà báo Jonathan Allen đánh giá bà Clinton đã thể hiện một hình ảnh nữ tính, khiêm nhường hơn và hoàn toàn có thể thuyết phục được cử tri Mỹ rằng bà là người biết lắng nghe, có nguyên tắc và sẽ chiến đấu vì người dân.
Ngay trong ngày hôm qua, bà Clinton cho biết sẽ lập tức đi ôtô thay vì máy bay riêng đến bang Iowa để vận động tranh cử.
Các cố vấn cho biết bà sẽ trao đổi trực tiếp với các cử tri về cách thúc đẩy nền kinh tế để các gia đình trung lưu tại Mỹ có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo khảo sát của trang web RealClearPolitics, khoảng 60% cử tri Dân chủ được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton.
Các nhà quan sát cho rằng bà Clinton có rất nhiều lợi thế trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.
Nhìn chung nội bộ Đảng Dân chủ đồng lòng ủng hộ bà Clinton, trong khi các nhân vật được xem là ứng cử viên đáng gờm là Phó tổng thống Joe Biden hay thượng nghị sĩ Massachusetts Elizabeth Warren đều không tỏ dấu hiệu muốn tranh cử.
Tấn công phủ đầu
Các ứng cử viên Đảng Cộng hòa không mất nhiều thời gian để tấn công phủ đầu bà Clinton.
Theo báo Washington Post, thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul, người công bố kế hoạch tranh cử tuần trước, mô tả bà Clinton “đại diện cho những gì tồi tệ nhất của bộ máy chính trị Washington: sự ngạo mạn của quyền lực, tham nhũng, che đậy, xung đột lợi ích, quản trị thất bại gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cựu thống đốc Florida Jeb Bush cho rằng chính sách ngoại giao của ông Obama và bà Clinton “thất bại” và “hủy hoại quan hệ với đồng minh trong khi tiếp sức cho kẻ thù”.
Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz mô tả một chính quyền tổng thống Hillary Clinton “sẽ không khác gì chính quyền Tổng thống Obama”.
Trên thực tế vụ bà Clinton dùng tài khoản thư điện tử cá nhân khi còn giữ chức ngoại trưởng đã khiến uy tín của bà bị ảnh hưởng, và bà cũng bị chỉ trích là gây “xung đột lợi ích” khi quỹ từ thiện Clinton Foundation của hai vợ chồng bà nhận tiền quyên góp từ nhiều chính phủ nước ngoài. Mới đây bà Clinton đã phải từ bỏ vị trí ở Clinton Foundation.
Cú đòn mạnh nhất mà Đảng Cộng hòa giáng vào chiến dịch tranh cử của bà Clinton là bà “đại diện cho những chính sách quá khứ” của cựu tổng thống Bill Clinton và ông Obama, và việc bà thắng cử cũng tương tự như việc ông Obama giành được nhiệm kỳ ba. Khó khăn của bà là phải thể hiện bản sắc riêng so với ông Clinton và ông Obama.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận