Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Ảnh: Cục nghệ thuật biểu diễn |
Dưới đây là ý kiến của bạn đọc Phương Thế Ngọc - người tự nhận mình đã bấm vào ô "Xin lỗi suông, dân không cần", gởi đến mục Tuổi Trẻ Online. Chúng tôi xin giới thiệu:
"Tôi không ngạc nhiên khi xem phần thống kê các ý kiến trên Tuổi Trẻ Online, hai lựa chọn “xin lỗi suông, dân không cần” và “phải tự nhận hình thức kỷ luật” áp đảo việc “chấp nhận” lời xin lỗi.
Tạm gác lại những lựa chọn đó, tôi chợt nhớ đến hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cúi đầu trước một người nông dân bên một cánh đồng, đó là một hình ảnh mà người ta thấy được văn hóa xin lỗi.
Nhìn hình ảnh đó và nhìn lại những lời xin lỗi của ông Nguyễn Đăng Chương những người dân như tôi thấy 2 điều: Xin lỗi quá muộn màng và cách xin lỗi chưa thực sự chân thành, vẫn theo một “kịch bản xin lỗi” xưa cũ.
Kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc về lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương (tính đến 14g50 ngày 25-5) |
Vì sao nói lời xin lỗi của ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn là quá muộn màng? Là bởi, sau rất lâu những sai lầm liên tiếp của mình ông mới lên tiếng xin lỗi. Trước đó, dư luận rất bức xúc khi 5 bài hát sáng tác trước 1975, trong đó nổi bật là ca khúc “Con đường xưa em đi” bị cấm.
Và chính ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc này.
Lúc này ông im lặng!
Và sau khi “kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu” thì tiếp tục sai lầm chuyện “cập nhật danh sách hơn 300 bài “nhạc đỏ” lên website gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận”.
Ông vẫn im lặng!
Mãi cho đến khi có báo chí cùng dư luận liên tục phản đối và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo, mới lên tiếng xin lỗi dư luận.
Đó là một lời xin lỗi quá muộn màng!
Đáng lẽ, khi nhận ra những sai sót của mình và của tập thể mình lãnh đạo, cá nhân ông Nguyến Đăng Chương phải lên tiếng “xin lỗi ngay và luôn”, sau đó mới bàn đến chuyện “rút kinh nghiệm, chịu kỷ luật”.
Nghe lời xin lỗi của người đứng đầu Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi có cảm giác… quen thuộc. Đó là một lời xin lỗi mà tôi nghe đâu đó rất nhiều, tức một vị nào đó làm sai rồi cũng xin lỗi y đúc như thế.
“Đây cũng là điều đáng tiếc, tạo ra dư luận đáng tiếc… thay mặt tập thể… xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm….” - đó là một kịch bản xin lỗi rất thân quen. Và những lời nói đó chưa bao giờ đi vào cụ thể.
“Tôi sai ở điểm… tôi nhận hình thức kỷ luật này… những cá nhân này sai ở chỗ… sẽ kỷ luật, cách chức người này…” - Đó mới là lời xin lỗi mà người dân chúng tôi cần.
Nếu một lời xin lỗi được đưa ra đúng lúc, chân thành chắc chắn sẽ nhận lại sự cảm thông. Còn trong câu chuyện của Cục Nghệ thuật biểu diễn tôi chưa thấy hai yếu tố đó.
Lời cảm ơn, và xin lỗi là hai điều rất quan trọng trong văn hóa ứng xử. Với riêng cá nhân tôi, lời xin lỗi luôn có sức nặng hơn lời cảm ơn. Khi làm một việc tốt người ta có thể không cần đến một lời cảm ơn nào cả, nhưng khi tự mình thấy sai thì buộc phải xin lỗi, sau đó mới bàn đến chuyện chịu trách nhiệm".
Người xưa từng nói “có lỗi lầm mà không sửa, đấy mới thật là lỗi lầm”.
Bây giờ, cứ cho là người dân chấp nhận lời xin lỗi đó đi thì thì câu hỏi đặt ra là sửa chữa những lỗi lầm đó như thế nào (kỷ luật ai, những ai chịu trách nhiệm)? Và Cục Nghệ thuật biểu diễn liệu có sai lầm tiếp theo hay không? Hay rồi lại xin lỗi, lại rút sợi dây kinh nghiệm dài mãi?
Vì những lẽ đó, có lẽ, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn nợ một lời xin lỗi, đúng nghĩa của nó.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua ô bình luận bên dưới hoặc gửi email về [email protected]. |
Về phần mình, bạn có đồng ý với lời xin lỗi của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương? Ngay bây giờ, mời bạn bày tỏ ý kiến của mình qua bảng thăm dò dưới đây:
[poll width="420px" height="294px"]266[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận