24/07/2015 11:20 GMT+7

Dân bức xúc với khoảng cách giàu nghèo tăng

 CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tốc độ cải cách chuyển đổi chậm, chính sách bình ổn giá chưa hiệu quả, cần thúc đẩy cạnh tranh giá điện, xăng dầu... 47% người dân cho biết họ bức xúc trước phân hóa giàu nghèo...

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI: “Tỉ lệ hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại đã giảm xuống mức rất thấp”  Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI: “Tỉ lệ hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại đã giảm xuống mức rất thấp” - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là nội dung tại buổi công bố kết quả khảo sát “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN” năm 2014 (CAMS 2014), do Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 23-7.

Người dân còn nhiều điều chưa thể hài lòng

Khi được hỏi có hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại không, “chỉ có 19% trả lời hài lòng.

Tỉ lệ hài lòng đã giảm xuống mức rất thấp” - ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế VCCI, đại diện nhóm khảo sát, nói và tiết lộ: Nhóm hài lòng nhất là từ chính quyền địa phương, cơ quan Quốc hội.

Đáng lưu ý, tình trạng phân hóa giàu nghèo đang tác động khá mạnh tới cảm nhận của người dân. Bởi theo báo cáo khảo sát của VCCI, có tới 47% người dân, cán bộ bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở VN.

Về tốc độ cải cách kinh tế thể hiện ở câu hỏi về tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở VN trong năm năm qua, VCCI cho biết chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi nhanh. Tuy nhiên, có tới 36% thể hiện sự chưa hài lòng, cho rằng tốc độ còn chậm, rất chậm.

“Rõ ràng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn tiếp tục nhưng tốc độ chậm so với kỳ vọng” - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Cũng có 89% số người trả lời khảo sát đồng tình mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn. Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cho biết tỉ lệ đồng tình trên là mức chung, thực tế có 93% số người được khảo sát đang làm việc tại các cơ quan Đảng ở trung ương đồng tình mô hình kinh tế thị trường ưu việt.

Trong khi đó, nhóm cơ quan chính phủ, bộ ngành, Quốc hội... chỉ có 85-86% đồng tình. Đặc biệt, báo cáo nêu thực trạng nhóm học sinh, sinh viên, người đang thất nghiệp hoặc hưu trí có tỉ lệ ủng hộ với kinh tế thị trường thấp nhất, chỉ ở mức 78%.

Đáng lưu ý, dù VN liên tục yêu cầu các nước công nhận VN là nền kinh tế thị trường, nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy chính người VN cũng phân vân nền kinh tế có phải kinh tế thị trường không.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, có tới 49% người trả lời đồng tình kinh tế VN hiện nay là kinh tế thị trường, nhưng cũng lại có tới 36% cho rằng VN vẫn là nền kinh tế nhà nước.

Ông Tuấn cho rằng có tình trạng “lưỡng thể” trong đánh giá về nền kinh tế VN, cụ thể cứ năm người cho rằng nền kinh tế VN cơ bản là nền kinh tế thị trường thì lại có bốn người cho rằng VN vẫn cơ bản là nền kinh tế nhà nước.

Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng tình trạng “lưỡng thể” là không bình thường bởi ở đây có tình trạng Nhà nước lấy đi một số quyền của thị trường.

Sở hữu tư nhân “ưu việt” hơn

Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN, trong phần trình bày Cảm nhận của người dân về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giá cả và dịch vụ công đã cho thấy: người dân VN đánh giá không cao vai trò DNNN.

Đặc biệt, theo kết quả khảo sát, ông Quang cho biết khi được hỏi loại hình sở hữu nào ưu việt hơn, có tới 71% người được khảo sát trả lời là sở hữu tư nhân, chỉ có 4% trả lời là sở hữu nhà nước.

Đánh giá vai trò các DNNN, có tới 51% người trả lời cho rằng chỉ ở mức trung bình, rất tích cực chỉ 2%. Đáng lưu ý, 21% cho rằng vai trò DNNN là khá tiêu cực và 8% khẳng định “rất tiêu cực”...

Trong các giải pháp cho DNNN, 56% người tham gia khảo sát cho rằng cần minh bạch hơn, 17% cho rằng cần cắt giảm hỗ trợ từ Chính phủ, ngoài ra là các giải pháp: chấm dứt ưu đãi tiếp cận đất đai, chấm dứt cho vay ưu đãi từ ngân hàng... Giải pháp được ít người đồng tình nhất là cổ phần hóa, cho phép 15% vốn tư nhân.

Tuy nhiên, có một điểm mà ông Quang cho rằng còn “mâu thuẫn” là số người ủng hộ kinh tế thị trường ở VN cao nhưng vẫn có 75% mong muốn có sự can thiệp của Nhà nước vào giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Trong khi đó với câu hỏi: có được hưởng lợi từ việc Nhà nước can thiệp, bình ổn không, chỉ 15-20% nói họ được hưởng lợi.

Đánh giá về kết quả khảo sát, đặc biệt là những “mâu thuẫn” trong mong muốn của người dân, ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng cũng dễ hiểu, dân cần Nhà nước can thiệp vì họ tin vào cơ chế thị trường nhưng không tin vào doanh nghiệp cụ thể.

Ông Độ ví dụ tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, rồi xăng dầu, điện có yếu tố độc quyền... đã làm người dân ít tin vào thị trường.

Cũng lý giải những “mâu thuẫn” từ khảo sát của VCCI, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng hiện cơ chế để đảm bảo cạnh tranh công bằng đang thiếu. “Nó không phải thất bại của thị trường, mà là của Nhà nước” - ông Cung nói.

Kết quả khảo sát

19% hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại

47% bức xúc trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở VN

56% cho rằng doanh nghiệp nhà nước cần minh bạch hơn

49% đồng tình kinh tế VN hiện nay là kinh tế thị trường

36% chưa hài lòng, cho rằng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường còn chậm

Giao thông, y tế “bét bảng” về mức độ hài lòng của dân

Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN, nhóm khảo sát đã chọn 4 loại dịch vụ công mà người dân phải tiếp cận hằng ngày, gồm: y tế, giáo dục, công chứng và giao thông công cộng.

Kết quả, giao thông công cộng có mức độ hài lòng/hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp thấp nhất, chỉ 10%.

Với y tế, chỉ có 11% người được khảo sát hài lòng hoặc hoàn toàn hài lòng với dịch vụ y tế công. Với giáo dục, tỉ lệ hài lòng, hoàn toàn hài lòng với dịch vụ do Nhà nước cung cấp có cao hơn, nhưng chỉ đạt 15%.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên