21/01/2015 09:22 GMT+7

​Dân bầu trực tiếp chủ tịch phường

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngày 20-1 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN

Theo ông Hùng, trước đây đã từng chuẩn bị đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND tại 500 xã, nhưng đến nay đề án vẫn chưa được thực hiện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhìn nhận nếu thiết kế quy định “dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND phường để dân giám sát trực tiếp” thì chắc sẽ được sự đồng tình của Trung ương Đảng và Quốc hội.

“Nên để nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch phường, xã. Như vậy vẫn đảm bảo nguyên tắc nhân dân bầu và quyền lực vẫn bị giám sát” - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đồng tình.

HĐND chỉ nên đến cấp quận, huyện

Nơi có cấp chính quyền, tức là có đủ HĐND và UBND thì HĐND bầu chủ tịch UBND, nhưng nơi không có HĐND thì nên để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND, như vậy sẽ đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân 
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG

Dự thảo mới nhất Luật tổ chức chính quyền địa phương đưa ra phương án không tổ chức HĐND cấp phường. Ông Ksor Phước ủng hộ phương án này vì cho rằng ở cấp phường - xã chỉ tổ chức thực hiện, trong khi cần giám sát nhất là đối với cấp ra quyết định, tức là cấp quận - huyện trở lên.

“Tôi đề nghị HĐND chỉ nên có ở cấp quận - huyện thôi. Để giám sát chính quyền cấp phường thì cần tăng số lượng đại biểu HĐND quận, thành phố” - ông Phước nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nghĩ khác: “Tôi lại đồng tình phương án ở đâu có chính quyền thì ở đó phải có cả HĐND và UBND. Cấp phường hiện nay quản lý rất nhiều, gắn chặt với đời sống người dân địa phương. Không có lý do gì để nói rằng một nơi chính quyền làm nhiều việc như vậy, gắn với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân như vậy lại không có cơ quan giám sát”.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết ở Nhật Bản, sau năm năm bỏ HĐND cấp huyện thì họ bỏ luôn UBND cấp ấy. (Năm 1921 Nhật Bản bỏ HĐND cấp huyện và đến năm 1926 họ bỏ UBND cấp này. Hiện nay Nhật Bản tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở - PV).

“Ở đâu có quyền lực hành chính thì phải có cơ quan đại diện của nhân dân, nó giống như “cặp đôi hoàn hảo” vậy. Chúng ta nhận xét rằng HĐND hiện nay hiệu lực, hiệu quả không cao thì phải nghiên cứu xem quy định về thẩm quyền, hoạt động thế nào mà hệ quả như vậy” - bà Mai đề nghị.

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương khẳng định qua giám sát tại 11 tỉnh, thành thì có tám tỉnh, thành tha thiết đề nghị giữ lại mô hình như hiện nay, vì ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có sự giám sát.

“Các tỉnh thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường lúc đầu cũng cho rằng tăng cường đại biểu HĐND cấp trên, tăng cường giám sát của MTTQ VN để thay thế nhưng triển khai thì thấy rằng không làm nổi” - bà Nương cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tiến hành tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường để làm rõ những ưu, nhược điểm, từ đó đưa ra các phương án khả thi trong luật. Ông đề nghị làm rõ khái niệm chính quyền và cấp chính quyền.

“Nếu chúng ta nói rằng thành phố chỉ có một cấp chính quyền thì HĐND giám sát tất cả, ở dưới là chính quyền quận, chính quyền phường chứ quận, phường không phải là một cấp chính quyền.

Nếu chúng ta nói rằng thành phố có hai cấp chính quyền thì HĐND được tổ chức đến quận và khi đó có chính quyền ở phường chứ phường không phải là một cấp chính quyền. Còn nếu chúng ta khẳng định chính quyền địa phương có ba cấp thì ở ba cấp ấy phải có đầy đủ HĐND và UBND” - ông Hùng phân tích.

Ông cũng đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ nhu cầu tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đặc khu hành chính khác nhau ở chỗ nào, từ đó mới làm rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Thủ tướng “rất quan tâm”

Phải giới hạn số lượng cấp phó

Thảo luận dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định rõ trong luật này về số lượng cấp phó. “Ví dụ quy định bộ không quá năm phó, sau đó Chính phủ tùy tình hình mà quyết định bộ này có ba, bộ kia có bốn, bộ nhiều nhất chỉ là năm thôi. Rồi đến cấp cục thì nên quy định cấp phó không quá ba, cấp vụ thì cấp phó không quá hai” - ông Hùng gợi ý.

Trình bày báo cáo của thường trực Ủy ban Pháp luật “xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thiết kế nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo hướng cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 và không bổ sung thêm nội dung mới.

Ông Lý nói: “Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bám sát nội dung quy định tại điều 98 Hiến pháp, đồng thời đề nghị cân nhắc để không quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như: giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn; tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân...”.

Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là ý kiến đề xuất của thường trực Ủy ban Pháp luật. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết “cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm đến dự án luật này, Thủ tướng đã dành nguyên một ngày cùng ban soạn thảo để đọc và sửa từng câu, từng chữ của dự thảo luật”.

Các phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ trong luật này vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất.

“Chính phủ làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, nhưng trong chỉ đạo, điều hành thì cấp dưới phải phục tùng cấp trên để bộ máy có hiệu lực, hiệu quả và thông suốt” - bà Ngân phân tích.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên