Đã có nhiều trường hợp người bị đám đông bắt nạt qua mạng xã hội chịu không nổi, nhẹ thì buồn bực, im lặng cho qua; nặng thì khủng hoảng tinh thần, không làm việc được, thậm chí chọn kết thúc cuộc đời. Chỉ số ít "thần kinh thép" mới xem như không có gì hoặc lên tiếng đáp trả lại.
Bị tấn công vì "dám" đi ngược số đông
Từng được... nổi tiếng bất đắc dĩ trên mạng xã hội vào đúng ngày sinh nhật mình, chị Trần Thị Mỹ Ngân (nhân viên truyền thông, 26 tuổi, ngụ quận 7) tâm sự trong một lần làm việc, sau khi tranh luận và không đồng ý làm theo nhiều yêu cầu vô lý của khách hàng, chị Ngân bị người này "bóc phốt" lên Facebook bằng bài đăng kèm theo các tin nhắn trao đổi và hình ảnh cá nhân với nhiều lời lẽ khó nghe, mang tính vu khống rằng chị cố tình hãm hại.
"Do khách hàng này cũng có chút ảnh hưởng trên mạng xã hội nên bài đăng lập tức được nhiều tương tác. Những dân cư mạng này chỉ thấy câu chuyện từ một phía, không biết sự tình bên trong ra sao nên họ ra sức lăng mạ, chửi bới tôi và công ty và bắt tôi xin lỗi, có người còn xúi khách kiện tôi", chị Ngân tâm sự.
Tương tự, là một người hay xem phim rạp, anh Hoàng Nam (40 tuổi, ngụ đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận) thường có thói quen viết cảm nhận trên Facebook cá nhân về bộ phim.
Gần đây sau khi xem một bộ phim khá nổi, anh viết nhận xét nêu ý kiến cá nhân và rồi anh nhận về cả "núi gạch đá" chỉ vì đi ngược lại với số đông tán thưởng phim.
"Tôi để bài review công khai nên một số bạn bè đã chia sẻ, lập tức truyền tới fan của người đạo diễn. Hơn 100 bình luận vào tấn công tôi với những lời lẽ khiếm nhã, nói tôi là người không biết thưởng thức phim, có góc nhìn hạn hẹp, cay nghiệt cuộc sống...", anh kể.
Anh Nam cho biết trước đó từng vài lần bị tấn công trên mạng chỉ vì ý kiến cá nhân không giống số đông, song đây là lần "nặng ký nhất". Đối diện bạo lực ngôn từ qua mạng, anh lựa chọn cách im lặng, không trả lời những bình luận này.
Lam Nghi (28 tuổi, đã được đổi tên, hiện là nhân viên ngân hàng ở quận 8) kể cách đây 3 năm, Minh - người yêu của Nghi - cho rằng cô bắt cá hai tay nên đã viết bài đăng trên Facebook cá nhân, đưa hình Nghi lên và dùng những lời mạt sát.
Không chỉ vậy, Minh còn chia sẻ bài viết, hình ảnh vào nhóm chat lớp cấp III (do Nghi và Minh chung lớp) để bạn bè không chơi với Nghi. Minh còn rủ thêm bạn lớp đại học, đồng nghiệp vào... chửi phụ và chia sẻ rộng rãi cho bài đăng được nhiều người thấy.
Uất ức vì lần đầu bị tấn công dữ dội qua mạng, Nghi suy sụp tinh thần, đòi làm chuyện dại dột. Được can ngăn, Nghi mới dám báo công an về chuyện mình bị làm nhục qua mạng xã hội. Sau cùng, vụ việc chỉ được giải quyết khi cả hai cùng gặp nhau trên... phường và ký cam kết sẽ không làm những hành động ảnh hưởng đến nhau.
Trong khi đó, chị Phương Nhi (35 tuổi, ngụ đường Trường Sa, quận Bình Thạnh) kể rằng bạn bè chị cũng từng bị bắt nạt, từ ngoại hình, nội dung status, cho đến chê bai quan điểm. Phổ biến nhất là những kiểu bắt nạt "hùa" khi thấy một người bình luận trái ý trong các hội nhóm, đặc biệt là các fan club, fanpage của người nổi tiếng...
Mạng ảo nhưng làm tổn thương thật
Chuyện bắt nạt bằng ngôn từ trên mạng xã hội thường để lại những tổn thương cho "nạn nhân". Không chỉ buồn phiền, người bị bắt nạt còn bị sốc, ức chế, mất ngủ vì có nhiều người tấn công trên không gian mạng từ ngày này qua ngày khác.
Còn với Mỹ Ngân, sau bao nỗ lực hòa giải từ phía công ty và khách hàng nhưng bất thành, chị Ngân dù khủng hoảng tột độ song không muốn làm lớn chuyện nên chọn cách im lặng, nuốt ấm ức vào lòng.
Anh Nam nhận định khi dùng mạng xã hội, người dùng nên xác định trên "cõi" này có nhiều thành phần như một xã hội thật.
Anh nhận ra hầu hết những khủng hoảng trên mạng là do những tranh cãi không cần thiết xuất phát từ quan điểm khác nhau.
Do đó, anh Nam chỉ tranh luận với những người mình quen biết, có thái độ lịch sự và có giới hạn. Còn đối với những chuyện hùa theo, anh chỉ coi đây là trò giải trí, không bị lôi kéo nếu bạn bè có rủ vào bình luận phụ.
Theo ThS tâm lý Lê Minh Huân (Trung tâm ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên), thực tế rất ít người dùng mạng xã hội mà chưa từng một lần bị bắt nạt, từ chê bai ngoại hình đến chỉ trích lối sống, bị sửa lưng về ngôn từ hay phê phán về hình ảnh.
Ông Huân nhận định hành vi bắt nạt qua mạng ít có nguy cơ bị phát hiện hơn do tính chất thuận tiện và không phải chịu trách nhiệm hoặc chịu tác động trực tiếp nhanh chóng như lúc đối mặt ngoài đời thực.
Các dạng phổ biến của bắt nạt qua mạng bao gồm đe dọa xâm hại, làm nhục, làm mất mặt, xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và các thiết bị điện tử.
Khởi nguyên của tình trạng này thường đến từ cả hai phía hoặc đơn lẻ như xích mích cá nhân, từ lối sống ích kỷ, vụ lợi, sẵn sàng chà đạp, tấn công, hạ bệ người khác để đạt lợi ích cho mình dẫu giá trị này là ảo, hoặc dạng "mượn gió bẻ măng".
Không giống chị Nghi và Mỹ Ngân, anh Nam vững tâm lý hơn nên không quan tâm đến những bình luận đả kích mình.
Anh nói: "Tôi không có thói quen tranh luận với người mình không quen biết. Cuộc sống tôi đã trải qua nhiều điều khó khăn nên những lời mắng mỏ, chửi bới đó tôi cảm thấy bình thường. Hơn nữa, tôi dùng mạng xã hội để giải trí, không để chứng tỏ bản thân, không cay cú ăn thua...".
4 cách giải quyết
Theo ThS tâm lý Lê Minh Huân, cách tốt hơn để thoát khỏi tình trạng bị bắt nạt trên mạng xã hội là đối diện và giải quyết nó.
- Thứ nhất, chúng ta xem xét mình "có gì" để bị người khác bắt nạt như vậy. Hãy phản hồi ôn tồn và sửa đổi nếu lỗi thuộc về mình. Nếu không phải do mình, hãy hồi đáp rõ ràng với kẻ bắt nạt. Nếu vượt quá phạm vi giải quyết, giảng hòa, nạn nhân có thể nghĩ đến việc trình báo cơ quan chức năng.
- Thứ hai là khi hành vi bắt nạt diễn ra nhiều lần dù nạn nhân đã nhắc nhở hoặc phân tích, cầu thị tỏ rõ quan điểm. Nạn nhân cần thông báo công khai trên trang cá nhân để tìm sự ủng hộ, đẩy lùi hành vi bắt nạt.
- Thứ ba là tình huống người bị bắt nạt nhưng thể hiện sự quá khích làm tình trạng diễn ra nặng nề hơn. Từ chỗ bị bắt nạt, họ trở thành "đồng phạm" bắt nạt người khác. Lúc này cần xem lại hành vi bản thân, kiểm soát cảm xúc, không để mọi việc đi quá xa. Trường hợp không thể tự giải quyết vấn đề, hãy nhờ chuyên gia, nhà chuyên môn hỗ trợ.
- Cuối cùng, để dùng mạng xã hội lành mạnh hơn, hành vi, quan điểm và phát ngôn của mỗi cá nhân phải rõ ràng, chuẩn mực, văn minh và nói không với công kích, bắt nạt, tung tin đồn nhảm hay đánh giá, bàn luận "như đúng rồi" về những thông tin chưa xác thực. Việc sống văn minh trên mạng ảo sẽ tạo ra cộng đồng văn minh chống lại nạn bắt nạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận