Dân Ăng-lê bỗng mê văn Nhật

TTCT - Văn chương Nhật Bản không chỉ len lỏi mà đang có vị trí nổi bật trong những hiệu sách ở Vương quốc Anh, thị trường vốn không thích văn học dịch, nói gì văn chương châu Á.

Dân Ăng-lê bỗng mê văn Nhật- Ảnh 1.

Kệ văn học Nhật tại nhà sách Waterstones, Nottingham. Ảnh: Phương Anh

Độc giả Anh có truyền thống ít say mê văn học dịch hơn người châu Âu. Điều này cũng không khó hiểu khi họ lớn lên với nền văn học tầm cỡ, viết ở đủ thể loại khác nhau như Willam Shakespears, Charles Dickens, Jane Austen, JK Rowling, Virginia Woolf, Agatha Christie... Chưa kể những nhà văn Mỹ cũng góp phần tạo nên một kho tàng không chỉ đồ sộ về số lượng mà còn ở chất lượng đuợc viết bằng tiếng Anh.

Tuy vậy, những năm gần đây, những cái tên như Toshikazu Kawaguchi, Yoko Ogawa, Mieko Kawakami cũng được độc giả chú ý tại quê hương của Harry Potter, bên cạnh những tên tuổi lớn như Natsume Soseki hay Haruki Murakami. Tiểu thuyết Nhật Bản cũng trở thành thể loại văn học dịch phổ biến nhất tại Anh.

Dòng chảy văn hóa Nhật

Những gợn sóng âm ỉ từ nước Nhật nhẹ nhàng chảy vào đời sống nước Anh - vương quốc với bề dày lịch sử, và những tiêu chuẩn truyền thống - bằng chính những sản phẩm nghệ thuật mà nguời Anh ưa chuộng: sân khấu và văn chương.

Hồi tháng 5, khi Spirited Away - phiên bản nhạc kịch từ bộ phim Ghibli trứ danh năm 2001 - được đưa tới sân West-end (London), đoàn diễn phải kéo dài thời gian lưu tại thủ đô thêm 5 tuần để đáp ứng sự đón nhận ngoài sức kỳ vọng của khán giả. 

Hai anime My Neighbour Totoro và Your Lie In April cũng được đưa lên các sân khấu ở London. Điều này thể hiện sức hút mạnh mẽ của những tác phẩm văn hóa Nhật Bản tại Vương quốc Anh, nơi được coi như kinh đô nhạc kịch thế giới với hơn 200 nhà hát sáng đèn mỗi đêm.

Năm 2018, khi tôi còn học ở London, việc tìm một cuốn sách tác giả Nhật Bản với nội dung nhẹ nhàng cho đúng gu mình đang đọc ở Việt Nam tại Waterstones, một trong những chuỗi nhà sách lớn nhất ở Anh, không hề dễ dàng. Giờ thì đã rất khác.

Doanh số bán tiểu thuyết (bản in) tiếng Nhật đã dịch ở Anh, không bao gồm manga, đã tăng 40% lên khoảng 7 triệu bảng Anh (8,9 triệu USD) vào năm 2023 so với năm trước, theo số liệu từ Nielsen BookData. 

Trong số 2 triệu tiểu thuyết được dịch bán ở Anh năm 2023, tổng cộng 1/4 (và một nửa số tác phẩm bán chạy nhất) là của Nhật Bản, theo Nhà xuất bản Penguin. Điều này khiến tiếng Nhật trở thành ngôn ngữ gốc phổ biến nhất trong số các tác phẩm được dịch tại Anh.

Tạp chí Nikkei Asia hồi tháng rồi cho biết tiểu thuyết Nhật đã có "fan cứng" ở Anh, và tác giả tiêu biểu nhất là Toshikazu Kawaguchi - "cha đẻ" Before the Coffee Gets Cold, tiểu thuyết được dịch bán chạy nhất Anh quốc trong hai năm liền. 

Dân Ăng-lê bỗng mê văn Nhật- Ảnh 2.

Lấy bối cảnh một quán cà phê huyền diệu, nơi du khách có thể quay về quá khứ, Before the Coffee Gets Cold là quyển đầu tiên trong series lên tới 5 phần của Kawaguchi. Hơn 260.000 bản cứng đã được bán ở Anh kể từ khi được Picador xuất bản vào năm 2019. 

Cả bốn tập đầu của bộ sách đều lọt vào danh sách 30 tác phẩm tiểu thuyết được dịch bán chạy nhất ở Vương quốc Anh năm 2023; cuốn thứ năm (Before We Forget Kindness) được dự đoán sẽ tiếp tục gây sốt khi ra mắt vào tháng 9 tới đây.

Ngoài Kawaguchi, các tác giả đương đại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm thành công ở Anh, đánh dấu bước ngoặt so với thời kỳ Haruki Murakami thống trị phương Tây. Days at the Morisaki Bookshop của Satoshi Yagisawa (bản tiếng Việt Giấc mơ ở hiệu sách Morisaki), bán được hơn 50.000 bản trong năm 2023, là tiểu thuyết dịch bán chạy thứ 2 tại Anh sau Before the Coffee Gets Cold.

"Văn chương ấm áp" ở xứ sương mù

Vì sao tiểu thuyết Nhật Bản lại phổ biến với độc giả tại Anh? Hai tác phẩm bán chạy kể trên được xếp vào cùng một dòng tiểu thuyết mới: cozy fiction - tạm gọi là "văn chương ấm áp". "Cozy Fiction từ Nhật Bản đang có chỗ đứng vững chắc ở Anh" - Nikkei Asia dẫn lời Justine Taylor, giám đốc biên tập Nhà xuất bản Bonnier Books UK.

Tiểu thuyết thể loại này có đặc trưng là câu chuyện nhẹ nhàng, dễ đọc và mang tính giải trí, không có nhiều yếu tố căng thẳng, bạo lực hay bi kịch; lấy bối cảnh ở những nơi quen thuộc, ấm cúng như thư viện, hiệu sách và quán cà phê; cốt truyện tập trung vào các nhân vật dễ mến và các tình huống đời thường hoặc phiêu lưu đơn giản.

Sự gần gũi là một trong những điểm mạnh của tiểu thuyết Nhật Bản. Tuy những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm trong đó là cốt lõi cảm xúc, sâu sắc nói lên những vấn đề cuộc thời ta đang sống.

Chẳng hạn, Before the Coffee Gets Cold là một cuốn sách cảm động về nỗi đau, tình yêu và thời gian, trong một quán cà phê yên tĩnh mang đến cho khách hàng một thực đơn khác thường: cơ hội quay ngược thời gian, nơi họ có thể sửa sai, tìm thấy sự an ủi hoặc nhìn thấy một người yêu lần cuối. Mỗi câu chuyện của các nhân vật mang đến những cảm xúc và bài học về tình yêu, sự mất mát, hối tiếc và cả những hy vọng.

Tiểu thuyết kiểu này cho độc giả những câu chuyện an ủi về cuộc sống đời thường, từ đó khuyến khích sự thay đổi tích cực; nó là món ăn tinh thần phù hợp giữa cuộc sống đầy áp lực và biến động trong tình hình kinh tế không mấy khả quan tại Anh.

Brexit và những vấn đề chính trị xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đọc của nguời Anh. Những bất ổn và khó khăn khiến người ta mệt mỏi và muốn trốn chạy các tin tức, thông điệp chỉ trích, đấu đá nhau. Thậm chí nhiều độc giả trung thành quay lưng với những tác giả người Anh sau khi nghe họ trình bày về chính trị, hoặc có những phát ngôn phân biệt giới tính và sắc tộc.

Ảnh: Phương Anh

Ảnh: Phương Anh

"Tiểu thuyết ấm áp" như một ốc đảo bình yên cho những độc giả muốn thoát ra khỏi những vấn đề căng thẳng. Không phải những chủ đề nghiêm túc không được đề cập trong các "ốc đảo" đó; chỉ là nó được thực hiện một cách kín đáo, với những thông điệp tinh tế (đúng kiểu người Nhật) từ những tên tuổi mới, đến từ đất nước xa xôi.

Còn có những nguyên do khác, chẳng hạn sự đồng cảm. Cô lập là chủ đề thường thấy trong tiểu thuyết Nhật Bản. Tiểu thuyết Diary of a Void của Emi Yagi (Penguin Vintage xuất bản ở Anh tháng 8-2023) được đón nhận vì chủ đề về sự cô đơn và những hành động nổi loạn của cá nhân đã gây ấn tượng sâu sắc với độc giả Anh. 

Các tiểu thuyết của Mieko Kawakami, với những chủ đề như sự xa lánh và chật vật trong đời sống, cũng được đón nhận nồng nhiệt, với khoảng 126.000 bản thuộc nhiều tựa bán ra ở Anh.

Dịch giả Ginny Tapley Takemori, người dịch Convenience Store Woman (Sayaka Murata) sang tiếng Anh, cho rằng trong tiểu thuyết Nhật Bản, mọi thứ "không phải đen trắng như trong tiểu thuyết phương Tây" khi đề cập đến vấn đề thiện và ác. 

"Các nhân vật có nhiều sắc thái hơn một chút, điều này khiến tôi cảm thấy gần gũi hơn với thực tế" - cô nói với trang The Booker Prizes. Tháng 4 vừa qua, sự kiện "Một buổi chiều với Sayaka Murata" do chuỗi hiệu sách Foyles tại London tổ chức đã nhanh chóng cháy vé khi độc giả nô nức đến nghe nữ tác giả Nhật Bản nói về tác phẩm của mình (đã xuất bản tiếng Việt với tựa Cô gái ở cửa hàng tiện lợi).

Sự bùng nổ của tiểu thuyết Nhật Bản hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Nhật là tăng cường đáng kể quyền lực mềm của đất nước, trong chiến lược xuất khẩu văn hóa mang tên Cool Japan.

Với sự sáng tạo tinh tế, sự chỉn chu trong từng tác phẩm, điều chỉnh một chút cho hợp với khẩu vị phương Tây, đưa ra thị trường đúng lúc khi khán giả đang tìm kiếm một món ăn tinh thần mới mẻ, các tác phẩm Nhật được nhiều khán giả tại Anh đón nhận. Một phần nữa cũng bởi dân Ăng-lê muốn thấy hoa anh đào nở rực rỡ sau những ngày đông dài ảm đạm.

Ảnh: Phương Anh

Ảnh: Phương Anh

Ngoài văn học, quyển sách du lịch Abroad in Japan của Chris Broad, đứng đầu danh sách bán chạy Sunday Times tại Anh trong suốt tháng 8-2023, và đến giờ vẫn được ưu ái đặt trên bàn sách riêng ngay trước cửa ra vào Waterstones. Cũng phải kể những cuốn sách về phong cách sống Ikigai, Wabisabi, zen, kiến trúc Nhật Bản của các tác giả Nhật lẫn tác giả Âu Mỹ thích trải nghiệm văn hóa Nhật, và "cũ" hơn là sách của hiện tượng Marie Kondo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận