Những năm gần đây, người dân chuyên hành nghề lặn biển để tìm kiếm sắt phế liệu tại đầm Thị Nại thuộc vùng cảng biển Quy Nhơn (Bình Định) đã vô tình tìm thấy nhiều đồ gốm cổ.
Trong đó có cả gốm Sa Huỳnh, gốm đất nung, gốm men Champa, gốm sành nâu, gốm men lam thời Minh và cả gốm thời kỳ Lê - Nguyễn.
Nhiều gốm cổ quý dưới đáy đầm Thị Nại
Những hiện vật gốm đưa về gồm các loại hình từ bình, bát (các cỡ), đĩa (các cỡ), nồi, ấm, âu, lư hương... với các chất liệu gồm đất nung, gốm sành và gốm men từ men ngọc đến men lam.
Gốm đất nung gồm: nồi đáy tròn, ấm, lư hương.
Những hiện vật này đều là những loại gốm đất nung nhẹ lửa, màu gốm đỏ nhạt, thành mỏng, xương có độ cứng vừa phải, tất cả đều là đồ gia dụng.
Về nguồn gốc, theo tôi, là những sản phẩm gốm có nhiều nguồn gốc khác nhau, trong đó có gốm tiền sử mang phong cách kiểu Hán; gốm dày, hoa văn khắc vạch kiểu ô vuông, một chiếc ấm, và một chiếc siêu là gốm Trung Quốc khoảng thế kỷ XVIII, một viên ngói móc Champa thế kỷ XIII - XV.
Còn lại là gốm Việt Nam được sản xuất tại các lò gốm dân gian Bình Định thế kỷ XVIII - XIX.
Gốm sành gồm các loại bình, hũ bao gồm sành nâu, sành tráng men như men ngọc, men nâu sẫm và da lươn là những bình đời Minh thế kỷ XIV - XV.
Gốm sành nâu là sản phẩm lò gốm Việt Châu Phúc Kiến thế kỷ XIII. Theo những người lặn biển cho biết loại gốm sành này nằm thành từng lớp trong đầm, có thể là một chiếc tàu đắm.
Gốm men là những loại hình tìm thấy trong lòng đầm Thị Nại số lượng khá nhiều, bao gồm các loại hình như bát men ngọc không trang trí hoa văn, bát, đĩa men trắng vẽ lam hoa văn dây và những hoa văn không định hình đều là gốm đời Minh thế kỷ XIV - XV, Thanh thế kỷ XVII - XVIII và có cả gốm dân gian thế kỷ XIX.
Nghĩ về một di chỉ khảo cổ học
Với số lượng trên 100 hiện vật là đồ gốm các loại bao gồm gốm đất nung tiền sử, gốm Champa, gốm men thời Minh và gốm Việt Nam được tìm thấy trong đầm Thị Nại, đây là nguồn tư liệu vật chất đáng tin cậy để nghiên cứu về vai trò của cảng cổ này.
Từ tư liệu vật chất cho thấy cảng Thị Nại có vai trò không chỉ có vị trí về mặt quân sự mà còn là một thương cảng - nơi giao thương, trao đổi hàng hóa giữa người Sa Huỳnh, người Champa và cả giai đoạn lịch sử sau này.
Ngoài những mặt hàng của các thương gia đến trao đổi được ghi chép, cho thấy trong những mặt hàng được trao đổi chủ yếu là gốm sứ - là mặt hàng được các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản đến trao đổi buôn bán với vùng này.
Có thể nghĩ rằng đầm Thị Nại không chỉ là thương cảng, mà là di chỉ khảo cổ học cần phải tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.
Cảng Thị Nại là một thương cảng cổ được ghi chép nhiều trong sử sách Trung Hoa, Đại Việt. Những ghi chép cho biết cảng Thị Nại thời Champa và Thị Nại sau này vừa là quân cảng vừa là thương cảng quan trọng từ thời cổ đại cho đến thời Nguyễn sau này.
Tại đây đã có nhiều chuyên khảo về cảng cổ này, song cũng chỉ qua nguồn sử liệu đã được ghi chép để đánh giá, nghiên cứu.
Với việc phát hiện hàng loạt đồ gốm với nhiều chủng loại khác nhau, cho ta có thể nhìn nhận về góc độ thương mại của cảng này trong lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận