16/08/2012 08:05 GMT+7

Dám quyết đoán, dám đột phá (*)

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Qua 10 năm, thực tiễn minh chứng nghị quyết 20 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM, đã góp phần giải quyết thể chế, tạo động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố với những quan điểm của Bộ Chính trị về vị trí trung tâm nhiều mặt, về vai trò, trách nhiệm của thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”; định hướng phát triển TP.HCM thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại.

3. Đánh giá chung

ZdcmSpfX.jpgPhóng to
Khu đô thị mới Thảo Điền, Q.2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Sau hơn 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện nghị quyết 20, TP.HCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước (1). Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP.HCM đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thành phố anh hùng”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, được hai lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong 10 năm qua, TP.HCM rút ra một số kinh nghiệm:

Thứ nhất: Để xây dựng và phát triển đô thị loại đặc biệt, với tính chất đặc thù như TP.HCM, việc “cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không phù hợp”, theo tinh thần nghị quyết 20 của Bộ Chính trị là chủ trương rất đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay mà còn xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ hai: Một vấn đề dù khó đến đâu, nếu có chủ trương đúng, có quyết tâm chính trị cao, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội, có sự bố trí nguồn lực tương xứng, chỉ đạo thực hiện sâu sát, có biện pháp đột phá khắc phục khó khăn, vướng mắc kịp thời đều đạt được kết quả tốt. Đây thực chất là đổi mới phong cách làm việc, vừa phải đề cao dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, vừa phải tăng cường trách nhiệm cá nhân; từng thời điểm phải có sự tập trung cao, dám quyết đoán, dám đưa ra giải pháp mang tính đột phá, biết tổ chức sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, các đơn vị.

Thứ ba: Phải luôn quan tâm tổng kết thực tiễn và kiên trì, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc kiến nghị cho thành phố thực hiện thí điểm những cơ chế, chính sách mới, để tổng kết, nhân rộng; đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, một mặt phải thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, mặt khác phải luôn nhạy bén, sáng tạo, bám sát thực tiễn, mạnh dạn giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, giữ được vai trò, vị trí của TP.HCM đối với khu vực và cả nước.

Thứ tư: Quán triệt sâu sắc quan điểm giải quyết đồng bộ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với quy hoạch phát triển đô thị và đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội... kéo giảm khoảng cách giàu nghèo trong quá trình xây dựng TP.HCM thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại.

B. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020

I. Mục tiêu

Từ nay đến năm 2020, trên cơ sở vận dụng sáng tạo nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 gắn với thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đô thị đặc biệt; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TP.HCM thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp tích cực cùng cả nước đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát nêu trên, Đảng bộ TP.HCM tập trung lãnh đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Bảo đảm sự vững vàng về chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh; chủ động đấu tranh, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bất ngờ, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định khu vực và cả nước. Củng cố, xây dựng lực lượng quân đội, công an trong sạch, vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

2. Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD.

- Thúc đẩy phát triển chín nhóm ngành dịch vụ; trong đó tập trung nâng cao tỉ trọng các ngành dịch vụ: thương mại quốc tế; tài chính, tín dụng ngân hàng; dịch vụ cảng - kho bãi - hậu cần hàng hải và xuất - nhập khẩu, vận tải đa phương thức; du lịch. Phát triển và quản lý tốt các loại thị trường hàng hóa; thị trường tài chính; thị trường bất động sản; thị trường khoa học - công nghệ...

- Tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm); lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp khác để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng. Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015.

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; các thành phần kinh tế cùng phát triển, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật, nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các tổng công ty trực thuộc thành phố; phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; tiếp tục phát huy tốt sự chủ động liên kết, hợp tác phát triển ngày càng có hiệu quả với các tỉnh, thành phố.

3. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng, an ninh. Đầu tư nâng cấp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt chú ý khai thác nguồn vốn từ nhà xưởng, quyền sử dụng đất để góp phần tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn, đường sắt đô thị, phát triển đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu đường biển, đường sông; các hệ thống cấp nước, thoát nước, chống ngập, xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông..., nghiên cứu đầu tư hệ thống đê ven biển, công trình thủy lợi ven sông Sài Gòn, hệ thống cống ngăn triều, kiểm soát lũ, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, kết nối với kết cấu hạ tầng các tỉnh trong vùng đô thị TP.HCM, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

4. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao.

Tiếp tục đầu tư đổi mới, phát triển, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức, làm nền tảng thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở; tập trung xây dựng, phát triển khu y tế kỹ thuật cao, các trung tâm y tế chuyên sâu và một số bệnh viện tại các cửa ngõ thành phố, nâng cao chất lượng hoạt động bệnh viện quận, huyện..., chấm dứt tình trạng quá tải các bệnh viện; coi trọng phát triển y tế dự phòng, nâng cao tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế.

Phát triển mạnh phong trào thể dục - thể thao quần chúng, nâng cao thể chất của nhân dân; phát triển thể thao thành tích cao, nhất là các môn thành phố có truyền thống, có ưu thế.

Phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP.HCM; định hướng và quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn học - nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, từng bước giảm dần sự cách biệt về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, kéo giảm khoảng cách nghèo giàu trong các tầng lớp nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, giải quyết các tệ nạn ma túy, mại dâm, tội phạm, chuyển hóa địa bàn, kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân.

5. Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; thực hiện tốt các nội dung hợp tác đã ký kết với địa phương các nước; chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng cường, đổi mới phương thức hoạt động tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam và thành phố để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và kiều bào tham gia xây dựng quê hương.

6. Lãnh đạo thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đạt được sự chuyển biến rõ rệt, trong đó tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; cơ chế, chính sách; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng,... Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

7. Phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo xây dựng mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh; thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; giải quyết kịp thời các khiếu kiện của nhân dân, không được để xảy ra những “điểm nóng”. Đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt và gắn bó mật thiết với nhân dân; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ tuổi, cán bộ xuất thân từ công nhân, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

(1) Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,56% dân số cả nước, nhưng thành phố đóng góp 21,3% GDP cả nước; 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước; 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58,33% khách du lịch quốc tế, 43,72% doanh thu du lịch; 27,9% kim ngạch xuất khẩu; 26% kim ngạch nhập khẩu; 22,4% giá trị gia tăng ngành công nghiệp; mức thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2011 bằng 2,4 lần so với bình quân đầu người của cả nước.

(*) Tít do Tuổi Trẻ đặt.

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên