TTCT - Thông tin chấn động giới quan sát Ukraine tuần rồi là việc các cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ có một số cuộc gặp bí mật với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và các quan chức Kremlin về khả năng đàm phán chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ ngay khi thông tin này lộ ra đã phát ngôn không ủng hộ hay xúc tiến các đối thoại này. Thông điệp chính thức này có thể hiểu được khi Washington vẫn nhất quán quan điểm các đàm phán liên quan Ukraine cần có sự tham gia của Kiev.Ảnh: Yahoo FinanceNBC News đưa tin các cựu quan chức Mỹ đã gặp ông Lavrov trong nhiều giờ ở New York hồi tháng 4 khi ông này tới đây chủ trì họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp này có Richard Haass, nhà ngoại giao kỳ cựu và khi đó là chủ tịch Hội đồng đối ngoại (CFR) - tổ chức nghiên cứu về đối ngoại rất quan trọng của Mỹ - và hai cựu trợ lý Nhà Trắng Charles Kupchan (chuyên gia châu Âu) và Thomas Graham (chuyên gia Nga).Hai bên đã bàn thảo những vấn đề hóc búa nhất của cuộc chiến như các vùng đất của Ukraine mà Nga đang kiểm soát hay giải pháp ngoại giao mà hai bên có thể chấp nhận được. Các nguồn tin đều nói họ muốn các tiếp xúc được giữ bí mật. Một mục tiêu nữa của Mỹ là giữ các kênh liên lạc với Nga vẫn mở và để thử các phương án đàm phán và nhượng bộ về kết thúc chiến tranh.Những người thực dụngTới giờ vẫn chưa rõ nhóm này, trong đó có học giả cùng các cựu quan chức Lầu Năm Góc, gặp gỡ phía Nga thường xuyên tới đâu, nhưng ít nhất đã có một thành viên trong nhóm bay tới Nga để đàm phán. Việc Mỹ dùng các nhà cựu ngoại giao cho đối thoại hậu trường không phải hiếm, nhưng các đối thoại này không chắc là sẽ dẫn tới đàm phán chính thức hay có kết quả trực tiếp. Dù vậy, việc ông Lavrov xuất hiện cho thấy tính chất các đối thoại này là nghiêm túc.Một quan chức phương Tây nói họ biết việc có các tiếp xúc này, nhưng tiến triển của đối thoại là không rõ: "Nhưng dù kể cả chưa bật đèn xanh thì các trao đổi này cho thấy "những người thực dụng" ở Washington muốn trao đổi với Nga trên đầu Ukraine".Ông Haass là cựu quan chức Nhà Trắng (thời Bush cha), Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ, được coi là "trưởng đoàn" của giới đối ngoại Mỹ ở Washington DC trong thời gian dài. Viết trên Substack hôm 7-7, ông Haass nói các cuộc gặp là đối thoại chứ không phải "đàm phán" và từ chối nói thêm chi tiết. Theo ông, các trao đổi này hiệu quả nhất khi được giữ bí mật. Ông cũng bác bỏ chỉ trích rằng những trao đổi này làm suy yếu vị thế của Ukraine."Vì không phải trao đổi chính thức, những người tham gia có thể thoải mái nói thẳng và thử những ý tưởng và đề xuất mới - ông Haass viết - Điều quan trọng của những cuộc gặp này là đối thoại, không phải đàm phán. Những người có liên quan nói quan điểm của mình chứ không phải của những tổ chức mà họ có liên quan, và đặc biệt không phải nói thay cho Chính phủ Mỹ"."Điều thú vị là chính quyền Ukraine, nhìn thấy khó khăn và tốn kém thế nào của đợt phản công tới giờ dường như đang cân nhắc chiều kích đối ngoại, vốn đang thiếu vắng", ông Haas viết. Ông đề xuất nên ngừng bắn trong giai đoạn cuối của đợt giao tranh năm nay, dù Ukraine không thể lấy lại hết các vùng đất đang bị chiếm đóng.Ông Richard Haass. Ảnh: cfr.com"Đàm phán kênh 1,5"Đàm phán bí mật kiểu này trong đối ngoại được gọi là "đàm phán kênh hai" - không chính thức với sự tham gia của các cá nhân, chứ không phải quan chức chính phủ. Khi có sự tham gia của ông Lavrov thì đối thoại được coi là "đàm phán kênh 1,5". Về phía Mỹ, những người tham gia còn có một số cựu quan chức quốc phòng như Mary Beth Long, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng và là người hiểu biết sâu về các vấn đề liên quan đến NATO. Phía Nga ngoài ông Lavrov còn có các học giả và lãnh đạo những tổ chức và viện nghiên cứu lớn, vốn được ông Putin lắng nghe và có tiếp cận thường xuyên với giới lãnh đạo Kremlin.Các cựu quan chức từng tham gia đàm phán "kênh hai" ở Trung Đông, Triều Tiên nói các nỗ lực này có thể giúp đưa ra những điều kiện căn bản cho đàm phán - bước bắt buộc để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Philip Crowley, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, nói hôm 7-7: "Điều đáng chú ý là có sự tham gia của ông Lavrov. Ông Lavrov có tiếng nói và đây là cách mà Mỹ có thể đối thoại gián tiếp mà không vi phạm nguyên tắc đàm phán mà không có sự tham gia của Ukraine".Nhưng thông tin đàm phán này cũng gây ra chia rẽ trong giới đối ngoại ở Washington, một số người nói các nỗ lực này làm suy yếu vị thế của chính quyền Ukraine và có thể tạo ấn tượng rằng Mỹ đang rất muốn có thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Raja Menon, giám đốc chiến lược ở Tổ chức Defense Priorities, nói: "Những người ủng hộ nhiệt thành Ukraine sẽ coi đây là sự phản bội và đâm sau lưng".Cùng thời điểm diễn ra cuộc gặp, ông Haass và Kupchan cùng viết một bài dài trên tạp chí đối ngoại chuyên ngành Foreign Affairs, về "kế hoạch để đi từ chiến trường tới bàn đàm phán". Trong bài viết tựa đề "Phương Tây cần chiến lược mới ở Ukraine", Haass và Kupchan dự đoán tình trạng giằng co sẽ tiếp diễn sau phản công của Ukraine và đề xuất Mỹ xây dựng nền tảng ngừng bắn để cả Nga và Ukraine rút quân khỏi tiền tuyến - về căn bản là thiết lập một khu phi quân sự.Câu hỏi đặt ra là liệu các cựu quan chức Mỹ có tiếp tục đàm phán sau cuộc nổi loạn hồi tháng 6 của Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo nhóm đánh thuê Wagner, hay không. Diễn biến cuộc nổi loạn đã làm thay đổi khá nhiều bức tranh về quyền lực ở Matxcơva.Đàm phán kênh hai từng đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 1994, cựu tổng thống Jimmy Carter đã tới CHDCND Triều Tiên với tư cách cá nhân nhằm đàm phán dừng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các đàm phán kênh hai cũng từng giúp tạo điều kiện cho Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình Oslo hồi năm 1993.Ảnh: PoliticoNhưng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, việc các cựu quan chức Mỹ tương tác không chính thức với phía Nga đang gây chia rẽ giới ngoại giao và học giả. Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga thời Obama, nói ông nghi ngờ vì ít nhân vật "kênh hai" có tiếp cận trực tiếp với ông Putin để có thể trở thành người trung gian thực sự. Ngoài ra, đàm phán không có đại diện Ukraine sẽ đi ngược lại với tuyên bố lâu nay của chính quyền Biden rằng tương lai của Ukraine sẽ không bị đàm phán hậu trường bởi các nước lớn. "Nếu có đàm phán nhánh hai về kết thúc chiến tranh, người Ukraine nên tham gia", ông McFaul nói.Áp lực trước bầu cử MỹLúc này, các nước NATO đều lo ngại viện trợ cho Ukraine đã đạt đỉnh và triển vọng nguồn viện trợ từ Mỹ không rõ ràng khi năm tới cuộc chạy đua Nhà Trắng bước vào cao điểm.Với việc ông Donald Trump đang là ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa và hoàn toàn có cơ hội chiến thắng, các nước đều lo ngại việc ông trở lại sẽ dẫn tới các hành động cực đoan khó đoán. Ông Trump đã nhiều lần nói có thể kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong một ngày. Khi còn là tổng thống, ông có quan hệ căng thẳng với chính quyền Volodymyr Zelensky, khi chính quyền này không hợp tác trong việc tìm manh mối tham nhũng nhắm vào Hunter Biden (con trai Tổng thống Joe Biden).Nếu ông Trump cắt viện trợ cho Ukraine như với Afghanistan, các nước châu Âu sẽ không thể đủ khí tài để giúp Ukraine tiếp tục. Mỹ cũng có thể cắt nguồn viện trợ ngân sách mà Kiev rất cần lúc này. Washington hiện vẫn là nguồn cung cấp khí tài chính cho Ukraine và các nguồn ngân quỹ đã phê duyệt lúc này đủ duy trì cuộc chiến ở Ukraine thêm tầm ba tháng nữa. Các nước châu Âu đang lo ngại về khả năng Mỹ có thể duy trì gói viện trợ 48 tỉ USD như thông qua hồi 2022, đặc biệt khi Nhà Trắng cần Quốc hội phê duyệt ngân sách vào mùa thu này."Không ai rõ thế nào", một quan chức châu Âu nói với Financial Times về tình hình sắp tới của chiến tranh. "Chúng ta sẽ không thể duy trì mức độ viện trợ đó mãi" - quan chức này nói mức độ viện trợ này có thể duy trì thêm một hoặc hai năm, nhưng không kéo dài lâu hơn.Trong phỏng vấn trên CNN hồi tháng 5, ông Trump không trả lời liệu ông có muốn Ukraine chiến thắng hay không. Ông chỉ tiếp tục yêu cầu các nước châu Âu cần tăng cường viện trợ và nói sẽ sắp xếp cuộc gặp giữa ông Putin với Zelensky để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. ■ 3 tháng sống cònNhững đồng minh thân cận Mỹ nói Washington coi ba tháng tới mang tính sống còn với kết cục của cuộc chiến và có thể là cơ hội cuối cùng để Kiev thay đổi tình hình trên chiến trường.Các thăm dò lúc này cho thấy ủng hộ của cử tri Mỹ với Ukraine đang giảm, chính quyền Biden đang chịu áp lực chứng minh hàng chục tỉ USD viện trợ tạo ra khác biệt lớn trên chiến trường. "Mỹ cần chứng minh cuộc chiến này là thành công, đặc biệt là trong nước, để chứng tỏ các viện trợ tạo ra chuyển biến ở Ukraine", một quan chức châu Âu nói.Một số quan chức nói thời điểm họp Đại hội đồng LHQ và thượng đỉnh G20 liên tiếp vào đầu tháng 9 tới sẽ là hai sự kiện đối ngoại quan trọng mà hai bên chịu sức ép để đàm phán."Nếu tới tháng 9 mà Ukraine chưa đạt được tiến triển đáng kể thì áp lực quốc tế (với phương Tây) để đưa hai bên tới bàn đàm phán là rất lớn - một quan chức châu Âu nói - Tình hình cũng tương tự với Nga nếu phản công khiến họ tổn thất nặng". Các quan chức phương Tây vẫn hy vọng chiến dịch phản công của Ukraine, với sự hỗ trợ chưa từng có từ NATO, có thể đạt được những tiến triển lớn để buộc ông Putin đàm phán."Thông điệp với Kiev lúc này là: đây là những gì tốt nhất họ có thể nhận - một quan chức châu Âu khác nói về viện trợ - Sẽ không có linh động nào thêm từ ngân sách Mỹ để tiếp tục chi tiền, và các nhà máy vũ khí của châu Âu đã chạy hết tốc lực rồi".Các đánh giá của giới quân sự Mỹ cho rằng Ukraine khó đạt được hết các mục tiêu chính trị trên chiến trường trong năm nay, kể cả khi phản công có thắng lợi đáng kể. Các quan chức Ukraine và châu Âu cũng thừa nhận điều này. "Chúng tôi đều đồng ý rằng vào thời điểm nào đó của năm sau là phải đạt được điều gì đó gần với hòa bình cũng như là thiết lập được ổn định và chủ quyền của Ukraine", một quan chức cấp cao châu Âu nói. Tags: Chấm dứt chiến tranhNgoại trưởng Nga Sergei LavrovBộ ngoại giao mỹQuan chức MỹChuyên gia NgaChính quyền UkraineQuan chức UkraineQuân sự MỹAn ninh quốc gia MỹNgaGiải pháp ngoại giaoChính phủ MỹLiên Hiệp QuốcNgoại trưởng Mỹ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.