Tổng thống Obama cùng êkip ngồi xem cập nhật về đàm phán với Iran trong Phòng tình huống ở Nhà Trắng ngày 1-4 - Ảnh: Reuters |
Sau tám ngày đêm đàm phán không ngừng nghỉ tại Lausanne (Thụy Sĩ) giữa nhóm P5+1 (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức) với Iran, một “thỏa thuận khung” về chương trình hạt nhân của Iran đã được công bố cuối ngày 2-4, vượt quá khung thời gian chót đã định hai ngày.
Kết quả này, dù mới chỉ là chặng đầu để tiếp tục đàm phán “thỏa thuận sau cùng” có thời hạn vào cuối tháng 6-2015, cũng khiến những người trong cuộc thở phào nhẹ nhõm.
Chí ít thì ai cũng cảm thấy đã trút được gánh nặng tâm lý phấp phỏng suốt từ cuối tháng 1-2014 đến nay, khi cuộc đàm phán bước vào giai đoạn có thể coi là “được ăn cả ngã về không”!
Mỹ hào hứng, Iran hả hê
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hào hứng coi đây là “một thỏa thuận lịch sử”. “Lịch sử” quá đi chứ, bởi cuộc đàm phán này đã kéo dài suốt 10 năm qua, nay mới tới “đích”.
Riêng đối với chính quyền của ông Obama, đây còn là một thắng lợi ngoại giao ngoạn mục, bởi vấn đề hạt nhân Iran được coi là một trong hai ưu tiên hàng đầu của đối ngoại, bên cạnh ưu tiên chống khủng bố.
Điều quan trọng cốt lõi là ông Obama đã có thể khẳng định rằng thỏa thuận đạt được có ý nghĩa “ngăn cấm Iran trở thành một thế lực hạt nhân”. Đây chính là mục tiêu cốt lõi của nhóm P5+1 trong cuộc đàm phán trường kỳ với Iran.
Iran lại càng có cớ để lạc quan. Mục tiêu tối thượng của Iran là dỡ bỏ được trừng phạt quốc tế khắc nghiệt suốt từ năm 2006 đến nay.
Các biện pháp trừng phạt này nhằm làm tê liệt toàn bộ hoạt động kinh tế - thương mại, tài chính, dầu mỏ của Iran và ngăn cấm nước này tiếp cận với công nghệ hiện đại trên tất cả các lĩnh vực.
Nếu để trừng phạt quốc tế kéo dài hơn nữa, Iran sẽ hụt hơi trong những “dự án địa - chính trị khổng lồ” đầy tham vọng mà nước này đang thực hiện tại Trung Đông.
Iran nhận thấy thời cơ khôi phục “đế chế Ba Tư” (từng bá chủ Trung Đông trước khi xuất hiện Hồi giáo ở thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên) đã đến.
Khôi phục “đế chế Ba Tư” là “dự án” khổng lồ của thế kỷ 21, mà chương trình hạt nhân chỉ là một mũi nhọn để đảm bảo cho Iran một sức mạnh vượt trội trong tham vọng ấy.
Để đạt được “tham vọng thế kỷ” thì buộc phải tạm ngưng chương trình hạt nhân trong 15-20 năm là điều mà Iran cuối cùng đã coi là “chấp nhận được”!
Tuy nhiên, với “thỏa thuận khung” vừa ký ngày 2-4, Iran không phải ngưng toàn bộ chương trình hạt nhân như mục tiêu ban đầu mà nhóm P5+1 áp đặt.
Nước cộng hòa Hồi giáo đã đấu tranh để giữ được “quyền sở hữu công nghệ hạt nhân”, chứ không chỉ là “quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”.
P5+1 đã phải chấp nhận để Iran được quyền tiếp tục làm giàu uranium ở mức “không thể chế tạo bom hạt nhân”.
Iran cũng thành công ở phút chót trong việc không để “thỏa thuận khung” này đụng đến chương trình tên lửa đạn đạo của mình.
Iran còn hi vọng sau thỏa thuận về chương trình hạt nhân, quan hệ băng giá lâu nay với Mỹ và phương Tây sẽ ấm lên, tình trạng cô lập phải gánh chịu suốt từ năm 1979 đến nay sẽ được chấm dứt. Đó mới thật là một khung trời rộng mở khiến nhà nước Hồi giáo như chim sổ lồng!
Bước hai cũng không dễ
Nhưng đó mới chỉ là thắng lợi tại Lausanne, giữa những người đàm phán với nhau. Quốc hội Mỹ với phe Cộng hòa chiếm đa số vẫn đe dọa chờ xem thực tế Iran thực hiện nghĩa vụ của họ thế nào rồi sẽ có phản ứng.
Phái cứng rắn tại Iran vốn vẫn phản đối việc đàm phán với Mỹ cũng đưa ra nhiều lập luận không thỏa mãn với thỏa thuận đã ký.
Điều mà họ cho là “bất công nhất” thể hiện ở những nghĩa vụ mà Iran phải thực hiện có tính chất “không thể thoái lui”, trong khi trách nhiệm của các nước lớn thì không có gì ràng buộc...
Những người láng giềng của Iran cũng không dễ an lòng. Tổng thống Obama đã phải ngay lập tức điện đàm với nhà vua Salman của Vương quốc Saudi Arabia để khẳng định rằng thỏa thuận khung vừa ký “đảm bảo Iran không thể chế tạo bom hạt nhân”.
Ông Obama nhắc lại cam kết “có trách nhiệm với an ninh của các đối tác Ả Rập vùng Vịnh”. Tổng thống Mỹ còn mời nguyên thủ của các quốc gia vùng Vịnh đến trại David họp “thượng đỉnh” để cùng bàn bạc cụ thể sau khi có thỏa thuận với Iran.
Chắc chắn Mỹ cũng sẽ có động thái tương tự để trấn an Israel. Nhưng những người láng giềng của Iran tại Trung Đông cảm nhận “mối đe dọa từ Iran” sát sườn hơn nhiều, không giống như cảm nhận của nước Mỹ ở tận Tây bán cầu! Israel vẫn coi những gì Iran đạt được trong thỏa thuận khung này là “mở đường cho Iran tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Còn người Ả Rập thì đang hành động cụ thể để ngăn điều mà họ cho là “sự bành trướng của Iran” vào khu vực đông Ả Rập!
Đàm phán tiến triển, giá dầu giảm mạnh Do lo ngại nguồn cung sẽ trở nên dư thừa hơn nữa sau thỏa thuận khung, giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2-4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4%. Ông Naeem Aslam, chuyên gia phân tích hàng đầu của Công ty AvaTrade, cho rằng thỏa thuận khung chẳng khác “một cú đấm” vào mặt hàng dầu thô vốn đang tiếp tục đà mất giá. Theo ông, “chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến giá dầu dễ dàng lao dốc xuống mức 30 USD/thùng”. Giới chuyên gia nhận định với thỏa thuận khung vừa đạt được mở đường tiến tới hiệp định toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran, lệnh cấm vận dầu sẽ được bãi bỏ đối với Iran, dẫn tới việc càng làm dư thừa nguồn cung. Hiện nay, do lệnh cấm vận, Iran chỉ có thể xuất khẩu 1 triệu thùng dầu so với 2,5 triệu thùng/ngày của thời điểm trước khi có lệnh cấm. Với tiềm năng của mình, trong vòng vài tháng Iran có thể tăng lượng xuất khẩu dầu thô thêm 600.000-800.000 thùng/ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận