Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN GIA LIÊM - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết:
- Cùng với các giải pháp hạn chế lao động bỏ trốn, chúng tôi đang đàm phán với phía Hàn Quốc để gỡ yêu cầu tạm dừng tuyển lao động của 8 huyện thị ở 4 tỉnh.
Nhiều giải pháp căn cơ
* Với thông tin Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động ở 4 tỉnh, có giải pháp gì để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn khi hết hợp đồng?
- Chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, không riêng thị trường lao động Hàn Quốc mà còn các thị trường khác nữa. Đầu tiên phải làm tốt khâu tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đưa đi, từ việc thi cử, đào tạo ngoại ngữ, định hướng sau khi lao động trúng tuyển.
Phối hợp với đối tác nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh. Thực tế cũng có trường hợp do hiểu lầm, bị phân biệt đối xử nên trốn ra ngoài tìm cơ hội mới. Trung tâm lao động ngoài nước, các đơn vị khác thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn cùng các trung tâm hỗ trợ việc làm từ phía bạn sẽ phối hợp thường xuyên giải quyết việc này.
Điều quan trọng là tuyên truyền cả ở Việt Nam và Hàn Quốc. Thông tin về chính sách pháp luật nước sở tại phải đến với người đi xuất khẩu lao động và gia đình họ để hết hợp đồng về nước đúng hạn. Nếu lỡ trốn nên tự nguyện về nước để giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp.
Hàn Quốc có chính sách gia hạn kéo dài hợp đồng, hoặc khi về nước vẫn có thể quay trở lại làm với trường hợp chấp hành tốt. Nhiều trường hợp có khả năng có thể chuyển visa sang lao động E7 như lao động kỹ thuật cao.
Chúng tôi buộc người lao động đi Hàn phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ra, còn các giải pháp xử phạt vi phạm hành chính và nhiều biện pháp khác nữa.
* Việc dừng tuyển gây ảnh hưởng đến người chờ xuất khẩu lao động khá nhiều ở 4 tỉnh, sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?
- Hiện chúng tôi đang đàm phán với phía Hàn đề nghị bỏ quy định dừng tuyển lao động tại 8 huyện, thị ở 4 tỉnh nói trên vì không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trước mắt trong chương trình EPS đợt 1 lần này, Hàn Quốc vẫn đang áp dụng việc tạm dừng.
Tôi cũng vừa trả lời báo chí Hàn Quốc rằng không còn phù hợp vì đó là quyền của người lao động, họ chẳng tội tình gì để bị hạn chế. Thêm nữa, luật cư trú của Việt Nam đã khác trước đây.
Khi áp đặt cấm người địa phương này, họ có thể chuyển địa bàn cư trú sang địa phương khác vì có quyền cư trú bất cứ đâu trong nước, không ai cấm được nên nói thẳng là không còn phù hợp.
Định hướng để tránh hụt hẫng
* Nhu cầu xuất khẩu lao động sau COVID-19 khá lớn. Ba thị trường lớn nhất Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có những yêu cầu nào, thưa ông?
- Đối với thị trường lao động Nhật, họ chỉ tuyển người lao động trước, sau khi trúng tuyển sẽ đào tạo tiếng, rồi sang Nhật học tập và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Khi đến Nhật, lao động mới được tiếp cận các chuyển giao công nghệ từ phía họ nên phải đăng ký tham gia và đạt yêu cầu trước đã.
Với Đài Loan, thị trường này không quá khắt khe về yêu cầu ngoại ngữ, chỉ cần biết một chút để giao tiếp, phục vụ công việc. Họ chia thành nhóm lao động được đặt hàng có nghề và cũng có lúc không yêu cầu có nghề.
Riêng Hàn Quốc có nhiều hình thức hợp tác song đi theo chương trình EPS vẫn chiếm đa số. Các bạn phải học, vượt qua kỳ thi tiếng Hàn. Đối với ngành nghề kỹ thuật cao, lao động visa E7 phải có chứng chỉ, đạt yêu cầu của bên tiếp nhận.
Khâu đầu tiên của chương trình EPS là ngoại ngữ, kiểm tra tay nghề chỉ mang tính chất tiếp thu, xử lý công việc chứ không yêu cầu quá cao.
* Số lượng doanh nghiệp của ba nơi này đặt trụ sở tại Việt Nam cũng rất lớn, ông đánh giá cơ hội tiếp cận các công ty này sau khi lao động về nước ra sao?
- Chúng tôi đã nghĩ tới việc này khi lao động hết hợp đồng. Trung tâm lao động ngoài nước đang phối hợp với các đơn vị hỗ trợ cho người lao động về nước tìm được công việc tương xứng khả năng, trình độ đã tiếp cận ở nước ngoài.
Làm sao tìm được các doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc nước ngoài khác ở Việt Nam có thu nhập khá, điều kiện phù hợp với trình độ, khả năng của họ.
Chúng tôi khuyến khích việc đó vì nếu làm tốt, tôi tin nhiều người cũng mong muốn được ổn định cuộc sống, gia đình ở trong nước. Hỗ trợ người lao động sau khi về nước là việc rất quan trọng, điều này cũng tránh tình trạng lao động bỏ trốn khi hết hợp đồng.
Đà Nẵng là điểm thi lớn nhất chương trình EPS
Năm nay có 12.000 chỉ tiêu song số lao động đăng ký dự thi đợt 1 chương trình EPS đi Hàn lên tới hơn 23.400 người. Chương trình tổ chức thi từ ngày 9-5 đến 10-6 tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó, tại Đà Nẵng có hơn 12.000 thí sinh dự thi.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết phía Hàn Quốc quyết định điểm thi chương trình EPS. "Kỳ thi được tổ chức rất nghiêm túc, tôi khẳng định không ai có thể giúp người lao động thi đỗ vì tất cả đều được công khai trên máy. Các bạn trúng tuyển cứ an tâm được đi lao động Hàn Quốc theo đúng thủ tục mà không phát sinh chi phí nào khác", ông Hoan cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận