22/02/2018 13:28 GMT+7

Đạm Ninh Bình cầu cứu, bộ trưởng khuyên 'phải tự cứu mình'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Với khoản nợ lên tới trên 1.595 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình đề nghị được giải cứu nhưng được Bộ trưởng khuyên: trước khi trời cứu thì phải tự cứu lấy mình.

Đạm Ninh Bình cầu cứu, bộ trưởng khuyên phải tự cứu mình - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vào nhà máy kiểm tra hoạt động sản xuất của Đạm Ninh Bình - Ảnh: Bộ Công thương

Kiến nghị trên được lãnh đạo Công ty đạm Ninh Bình đưa ra tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xuống nhà máy ngay trong ngày đầu tiên làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tồn tại hay không tồn tại?

Theo ông Vũ Văn Nhẫn, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, sau khi nhận được hỗ trợ cho vay 48,9 tỉ đồng từ đầu năm 2017, công ty đã tiến hành chạy máy hai đợt và đạt giá trị sản xuất công nghiệp là trên 1.138 tỉ đồng.

Năm 2017, công ty đạt doanh thu là 1.172 tỷ đồng, giá bán bình quân cao hơn chi phí nên việc chạy máy làm giảm lỗ gần 270 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Nhẫn cho rằng khó khăn vẫn chồng chất với lượng hàng tồn kho lên đến 313,2 tỉ đồng, các khoản nợ không có nhiều thay đổi với trên 1.595 tỉ đồng. 

Đặc biệt, tình trạng đói vốn sản xuất ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình trong khi các ngân hàng đang cho vay thu nợ nên mặc dù giá bán urê Ninh Bình đang cao hơn chi phí nên dòng tiền bị thiếu.

Riêng chi phí mua than sẽ cần khoảng 40 tỉ đồng/tuần để duy trì sản xuất liên tục và điều này được ông Nhẫn cho rằng đang là rủi ro lớn có thể khiến công ty phải ngừng máy trước khi sản xuất đủ 120.000 tấn urê theo kế hoạch.

Ngoài ra là tình trạng thiếu vốn để thực hiện đại tu đảm bảo năng lực thiết bị tổ chức sản xuất trong năm 2018 và các năm tiếp theo, với dự toán lên đến 220 tỉ đồng.

Ông Nhẫn cho biết nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công thương và các ngân hàng, thì bản thân ông cũng hoang mang về việc "tồn tại hay không tồn tại" của công ty.

"Trước khi trời cứu..."

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không thể nói đến chuyện tồn tại hay không tồn tại bởi vì điều đó làm "tổn thương đến tình cảm của tập thể người lao động công ty".

"Các đồng chí phải có ý chí, biến ý chí thành hành động cụ thể và Bộ Công thương, Tập đoàn Hóa chất sẽ còn làm việc với công ty nhiều lần trong năm 2018 để tìm ra giải pháp. Không thể phụ lòng những người lao động ca kíp, những người đang trông chờ vào sự hành động của các cơ quan quản lý", Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động vươn lên "trước khi trời cứu thì phải tự cứu lấy mình".

Với mục tiêu đạm Ninh Bình tiếp tục chạy máy để đến năm 2020 hết lỗ và thoái vốn, lãnh đạo công ty đề nghị được ký hợp đồng mua bán than tương tự các điều khoản năm 2017 với giá hiệp thương.

Đồng thời công ty này đề nghị các ngân hàng cho vay 120 tỉ đồng trong 3 năm để thực hiện đại tu, ưu tiên thu gốc trước, thu lãi sau và được hưởng lãi suất hỗ trợ ưu đãi nhất...

Đồng tình với việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu công ty rà soát, đánh giá tổng thể về công nghệ, thương mại, quản trị doanh nghiệp cũng như đề xuất các phương án và các giải pháp mang tính đột phá, chủ động xây dựng và phát triển thị trường, thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối...

Mặt khác, theo Bộ trưởng, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu chính sách về thuế (phòng vệ thương mại...) để hỗ trợ Đạm Ninh Bình.

Không thể phụ lòng những người lao động ca kíp, những người đang trông chờ vào sự hành động của các cơ quan quản lý

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Đạm Ninh Bình cầu cứu, bộ trưởng khuyên phải tự cứu mình - Ảnh 2.
NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên